Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 57, Chúa Nhật 30.12.2007


MỤC LỤC 

Cổ Võ Hòa Bình Và Xây Dựng Cộng Ðoàn Các Dân Tộc                             Gaudium Et Spes

THƠ SONG NGỮ: CAO CUNG LÊN !                                  Nhà văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

Linh Mục Anrê Trần Đức Huynh                                                               Nguyễn Đức Tuyên

Có buộc dự lễ Chúa nhật & kiêng việc xác không?                            Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

“HOÀI - ĐỨC và HẢI – LINH”                                                             CVK Nguyễn-Thế-Bài 

TRÁNH TRANH CHẤP QUYỀN HÀNH                                                        Lm. Lê Văn Quảng

MỘT EM BÉ NẰM TRONG MÁNG CỎ                                                Hương Vĩnh chuyển ngữ

Lời Chúc hay Lời Nguyện                                                                                       Joseph Vũ

”Lạy Cha, con muốn sinh ra những đứa con”                                    Đình Chẩn chuyển ngữ

Xin Chúa tha thứ cho bạn                                         Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

NGHIỆN RƯỢU                                                                                   Bác Sỹ Nguyễn Ý-Đức

TAM VÒNG,                                                                                 Chuyện phiếm của Gã Siêu


Cổ Võ Hòa Bình Và Xây Dựng Cộng Ðoàn Các Dân Tộc

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Chương V

Cổ Võ Hòa Bình Và Xây Dựng

Cộng Ðoàn Các Dân Tộc 90*

 

77. Nhập đề. Hiện nay, trong khi những nỗi đau khổ và lo âu hết sức trầm trọng còn tồn tại giữa loài người do cuộc chiến tranh không ngừng hiện đang đe dọa gây nên, toàn thể nhân loại trong tiến trình trưởng thành đã bước vào một giai đoạn hết sức quyết định. Gia đình nhân loại dần dần hiệp nhất với nhau và đã ý thức hơn về sự hiệp nhất của mình ở mọi nơi, do đó công việc mà gia đình nhân loại phải bắt tay vào là xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Công việc này chỉ được hoàn thành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều cải tạo tâm hồn để hướng về hòa bình đích thực. Như thế, sứ điệp Phúc Âm phụ họa với những khát vọng và cố gắng cao cả của nhân loại mới rực sáng lên ở thời đại chúng ta bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc cho những người kiến tạo hòa bình "vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9).

Do đó, khi làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực và rất cao cả của hòa bình, và sau khi đã lên án sự dã man của chiến tranh, Công Ðồng muốn tha thiết kêu mời các Kitô hữu, với sự trợ giúp của Chúa Kitô, Ðấng sáng tạo hòa bình, hãy cộng tác với tất cả mọi người để chuẩn bị các phương tiện xây dựng hòa bình và để củng cố nền hòa bình đích thực giữa họ trong công bằng và yêu thương.

78. Bản chất của hòa bình. Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động. Thật thế, mặc dù tự bản chất công ích của nhân loại dĩ nhiên phải được định luật đời đời qui định, tuy nhiên trong những đòi hỏi cụ thể của nó, công ích vẫn phải chịu những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian. Do đó, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. Hơn nữa, vì ý chí của con người yếu đuối và bị tội lỗi làm tổn thương, do đó muốn có hòa bình mỗi người phải luôn luôn kiềm chế dục vọng của mình và chính quyền phải canh phòng cẩn thận.

Nhưng như thế chưa đủ. Hòa bình ấy chỉ có được trên trần gian, nếu giá trị của từng cá nhân được đảm bảo và mọi người tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của cải tinh thần và tài năng của họ. Ý chí cương quyết muốn tôn trọng người khác, những dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ và sự ân cần thực thi tình huynh đệ là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. Như thế, hòa bình cũng là kết quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bằng có thể đem đến.

Phát sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả của hòa bình Chúa Kitô, hòa bình do Ðức Chúa Cha mà đến. Vì chính Chúa Con Nhập Thể là thái tử hòa bình đã dùng thập giá Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa; Người đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể. Người đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người 1, và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người.

Do đó, trong khi "thực thi chân lý trong bác ái" (Eph 4,15), mọi Kitô hữu được khẩn thiết kêu mời hãy kết hiệp với những người thực sự yêu chuộng hoà bình để cầu khẩn và thiết lập hòa bình 91*.

Cũng trong tinh thần đó, chúng tôi không thể không ca ngợi những ai tranh đấu cho quyền lợi mà không dùng bạo động, nhưng dùng những phương tiện tự vệ sẵn có cho những người yếu kém, miễn sao không hại đến quyền lợi và bổn phận của người khác và của cộng đoàn.

Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô đến. Tuy nhiên, nhờ kết hiệp trong bác ái, con người thắng vượt tội lỗi và cũng thắng vượt bạo động cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: "Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu" (Is 2,4).

Ðoạn 1: Tránh Chiến Tranh

78. Giảm thiểu sự vô nhân đạo của chiến tranh. Mặc dù những trận chiến tranh gần đây đã gây cho thế giới chúng ta những thiệt hại quá nặng nề về vật chất cũng như tinh thần, thế mà cho tới nay trên một vài miền chiến tranh vẫn còn hàng ngày liên tục tàn phá. Lại nữa, khi người ta sử dụng những khí giới khoa học đủ loại trong chiến tranh thì tính cách dã man của chiến tranh lăm le đưa những kẻ tham chiến tới một sự man rợ còn khốc hại hơn những ngày trước. Vả lại, hoàn cảnh phức tạp ngày nay và những mối bang giao rối ren giữa các quốc gia càng giúp cho chiến tranh ngấm ngầm kéo dài với những phương pháp mới quỷ quyệt và tàn bạo. Trong nhiều trường hợp, sự xử dụng những phương pháp khủng bố được coi như một hình thức mới của chiến tranh.

Ðứng trước thảm trạng này của nhân loại, tiên vàn Công Ðồng muốn nhắc nhở đến giá trị ngàn đời của quyền lợi tự nhiên của các dân tộc và những nguyên tắc phổ quát của nó. Chính lương tâm nhân loại công bố những nguyên tắc đó một cách càng ngày càng cương quyết hơn. Những ai mưu toan hành động ngược lại những nguyên tắc đó cũng như những ai ra lệnh những hành động như thế, đều phạm tội ác cả; sự thừa lệnh mù quáng cũng không đủ để chạy tội cho những người tuân theo những mệnh lệnh trên. Trong số những hành động tội ác trên, trước hết phải kể đến hành động tiêu diệt một chủng tộc, một dân tộc hay một dân tộc thiểu số bằng bất cứ lý do hay phương pháp nào. Những hành động như thế phải được gắt gao lên án như những tội ác đáng ghê tởm. Và phải hết sức ca ngợi tinh thần can đảm của những người dám công khai chống đối laị những kẻ ra lệnh thi hành những tội ác trên.

Về vấn đề chiến tranh, hiện có nhiều hiệp ước quốc tế mà khá nhiều quốc gia đã ký kết nhằm làm cho những hoạt động quân sự và những hậu quả của chúng bớt vô nhân đạo hơn. Chẳng hạn có những hiệp ước liên quan đến số phận của thương binh hoặc tù bình, và nhiều thỏa ước tương tự khác. Những hiệp ước như thế cần phải được tôn trọng. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền và những nhà chuyên môn về vấn đề này, tùy theo khả năng của mình, cần phải cố gắng làm sao cho những hiệp ước đó được hoàn hảo, và như thế tức là họ giúp ngăn chặn một cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn tính cách vô nhân đạo của chiến tranh. Vả lại, cũng là một điều hợp lý nếu vì lòng nhân đạo mà có những khoản luật dành cho những người vì lý do lương tâm từ chối không xử dụng khí giới, miễn là họ chấp nhận phục vụ cộng đoàn nhân loại dưới một hình thức khác 92*.

Dĩ nhiên, nhân loại chưa trừ được tận gốc chiến tranh. Và bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì mỗi khi đã dùng hết mọi phương thế ôn hòa, các chính phủ được phép xử dụng quyền tự vệ chính đáng. Do đó, các thủ lãnh quốc gia và những ai có trách nhiệm trong nước có bổn phận phải bảo vệ dân chúng đã được ủy thác cho mình, họ phải thận trọng trong những vấn đề nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, chiến tranh để bảo vệ dân tộc một cách chính đáng là một việc, còn mưu toan đặt ách đô hộ trên các quốc gia khác lại là việc khác. Không phải mọi việc xử dụng sức mạnh của khí giới vào mục tiêu chính trị hay quân sự đều là hợp pháp. Không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn mà các đối phương đều được phép làm gì thì làm.

Ðối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình.

80. Chiến tranh toàn diện. Sự phát triển khí giới khoa học làm cho chiến tranh tăng thêm phần ghê tởm và khốc hại khôn lường. Thực vậy, những hành động hiếu chiến đi đôi với việc xử dụng những khí giới này có thể đưa lại những tàn phá lớn lao và không phân định, do đó vượt xa giới hạn của việc tự vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu tận dụng tất cả những phương tiện hiện có trong các kho vũ khí của các cường quốc, thì sẽ có một cuộc tương tàn hầu như hoàn toàn và mỗi bên sẽ bị đối phương tận diệt, đó là chưa kể đến nhiều cuộc tàn phá xảy ra trong thế giới và những hậu quả khốc hại do việc xử dụng những khí giới nói trên.

Tất cả những điều nói trên buộc chúng ta phải xét lại chiến tranh trong một tinh thần hoàn toàn mới mẻ 2. 93* Con người thời đại này phải biết rằng họ sẽ chịu trách nhiệm nặng nề về những hành động hiếu chiến của họ, vì các biến chuyển tương lai sẽ tùy thuộc nhiều ở những quyết định của họ hôm nay.

Trước tình trạng đó, thừa nhận những lời kết án về chiến tranh toàn diện của những vị Giáo Hoàng gần đây 3, Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng:

Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Vậy phải cực lực và không ngần ngại lên án tội ác đó.

Mối nguy cơ đặc biệt của chiến tranh hiện nay hệ tại ở chỗ hầu như tạo cơ hội cho những người có khí giới tối tân phạm những tội ác như thế và hậu quả tất nhiên là có thể thúc đẩy ý muốn con người đi tới những quyết định hiểm độc nhất. Vậy để cho thảm trạng đó không bao giờ xảy đến, các Giám Mục trên toàn thể thế giới hợp nhau nên một tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là những nhà cầm quyền quốc gia cũng như những vị chỉ huy quân sự hãy luôn luôn cân nhắc trách nhiệm lớn lao của mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

81. Thi đua võ trang. Thực ra, khí giới khoa học không phải được thu trữ chỉ để dùng vào thời chiến tranh, vì người ta cho rằng sự phòng thủ kiên cố của mỗi phe tùy thuộc ở khả năng trả đũa đối phương một cách vũ bão, cho nên sự tích trữ khí giới mỗi năm một gia tăng chính là nhằm đe dọa đối phương có thể bất thần tấn công. Nhiều người cho rằng đó là phương cách hữu hiệu nhất để bảo toàn hòa bình giữa các quốc gia ngày nay.

Dù cho phương thức ngăn chặn đối phương có thế nào đi nữa, con người vẫn phải xác tín rằng cuộc thi đua võ trang, công việc mà khá nhiều quốc gia đang theo đuổi, không phải là một con đường an toàn để duy trì hòa bình một cách vững chắc, cũng như cái gọi là quân bình xuất phát từ việc thi đua đó cũng không phải là hòa bình chắc chắn và đích thực. Do đó, những nguyên nhân của chiến tranh chẳng những không bị loại bỏ mà còn đe dọa mỗi lúc một thêm trầm trọng. Ðang khi tiêu thụ quá nhiều tài nguyên vào việc chuẩn bị những khí giới luôn luôn mới mẻ thì không thể nào đem lại một phương dược đủ để chữa trị biết bao khốn khổ hiện tại của thế giới. Thay vì thật sự và triệt để hàn gắn những chia rẽ giữa các quốc gia, người ta lại làm cho những chia rẽ ấy lan rộng đến các vùng khác trên thế giới. Phải chọn lựa những con đường mới bắt nguồn từ việc cải tạo tâm hồn để chấm dứt tệ trạng đó và để hòa bình đích thực có thể được vãn hồi, một khi thế giới được giải thoát khỏi mối âu lo đang đè nặng.

Bởi thế, cần phải tuyên bố một lần nữa: cuộc thi đua võ trang là một tai họa hết sức trầm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được. Và phải hết sức sợ rằng cuộc thi đua võ trang, nếu vẫn còn tiếp diễn, một ngày nào đó, sẽ gây ra mọi tai họa chết chóc do những phương thế đã được nó chuẩn bị sẵn.

Thấy được những tai họa mà nhân loại có thể gây nên, chúng ta hãy lợi dụng thời hạn mà ơn trên ban cho chúng ta, để khi ý thức hơn về trách nhiệm của riêng mình, chúng ta sẽ tìm được những con đường giúp chúng ta giải quyết được những tranh chấp của mình một cách xứng đáng với con người hơn. Thiên Chúa quan phòng không ngừng đòi hỏi chúng ta phải tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chiến tranh đã có từ xưa. Do đó, nếu khước từ mọi cố gắng như trên, chúng ta không biết chúng ta sẽ đi về đâu trên con đường tội ác mà mình đã bước vào.

82. Triệt để ngăn cấm chiến tranh và hoạt động quốc tế nhằm tránh chiến tranh. Bởi thế, dĩ nhiên chúng ta cần phải đem hết nỗ lực để chuẩn bị cho giai đoạn mà bất cứ chiến tranh nào cũng đều bị triệt để ngăn cấm do sự ưng thuận của các quốc gia. Ðiều đó chắc chắn đòi hỏi phải thiết lập một công quyền quốc tế được mọi người thừa nhận. Quyền bính này phải có một thực lực hữu hiệu để bảo đảm an ninh cho mọi người cũng như buộc phải thực thi công bằng và tôn trọng quyền lợi. Nhưng trước khi thiết lập được quyền bính đáng mong mỏi ấy, các cơ quan tối cao quốc tế hiện hành cần phải đem hết nỗ lực để nghiên cứu các phương thế khả hiệu nhất hầu đem lại an ninh chung. Vì hòa bình phải phát sinh từ niềm tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, chứ không là thứ hòa bình cưỡng ép giữa các dân tộc do sự sợ hãi khí giới của nhau. Nên tất cả cần phải cố gắng chặn đứng cuộc chạy đua võ trang. Muốn cho sự tài giảm binh bị thực sự bắt đầu, thì việc tài giảm này không phải là việc làm của một bên, nhưng phải được cả đôi bên thỏa thuận với những bảo đảm thực sự và hữu hiệu 4.

Trong lúc chờ đợi, không nên coi thường những nỗ lực đã có và đang có cho tới nay đã ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Tốt hơn là nên nâng đỡ thiện chí của một số đông những người, tuy phải bận tâm quá nhiều về những nhiệm vụ tối cao của họ, những vẫn ý thức được trách nhiệm rất nặng nề bó buộc họ, cho nên họ cố gắng loại bỏ chiến tranh mà họ đang ghê tởm mặc dù họ không thể bỏ qua được hoàn cảnh phức tạp hiện tại. Hơn nữa, phải luôn luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho họ nghị lực để kiên quyết tiến tới và can đảm hoàn thành công cuộc của tình thương cao cả đối với con người là xây dựng hòa bình một cách mạnh mẽ. Ngày nay, chắc chắn công cuộc đó đòi hỏi họ phải mở rộng tâm hồn và tinh thần vượt khỏi ranh giới của quốc gia mình, phải từ bỏ lòng ích kỷ quốc gia và tham vọng thống trị các quốc gia khác, phải nuôi dưỡng lòng tôn trọng sâu xa đối với toàn thể nhân loại đang vất vả tiến tới một sự thống nhất lớn lao hơn.

Về vấn đề hòa bình và giải giới, cần phải xem những nghiên cứu tìm tòi đã được theo đuổi một cách can đảm và không ngừng, cũng như những hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này như là những bước đầu để giải quyết những vấn đề khá trọng đại. Và trong tương lai, để đạt được những kết quả thực tiễn, cần phải cổ võ những nỗ lực trên một cách cấp bách hơn. Tuy nhiên, không nên chỉ ỷ lại vào cố gắng của một vài người mà quên tinh thần riêng của mỗi người 94*. Vì là những người chịu trách nhiệm trước công ích của dân tộc mình và đồng thời đem lại ích chung cho toàn thể thế giới, cho nên các nhà lãnh đạo quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào quan điểm và tâm tình của quần chúng. Bao lâu những tâm tình thù hận, khinh thị và nghi kỵ, những hiềm thù vì "kỳ thị chủng tộc" cũng như những ý thức hệ ngoan cố, tất cả những thứ đó vẫn còn chia rẽ và đối nghịch con người với nhau, thì các nhà lãnh đạo quốc gia có cố công xây dựng hòa bình cũng vẫn vô ích. Do đó, cần phải cấp tốc canh tân giáo dục tâm trạng và gây lại một chiều hướng mới cho dư luận quần chúng. Những ai tận tâm với công cuộc giáo dục, nhất là giáo dục giới trẻ, hoặc hướng dẫn dư luận quần chúng, phải nhớ rằng việc gieo rắc trong đầu óc mọi người những tư tưởng mới về hòa bình là một bổn phận nặng nề nhất. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều có bổn phận thay đổi tâm hồn mình, phải mở rộng nhãn quan trên toàn thế giới và trên những nhiệm vụ mà chúng ta có thể cùng nhau đảm nhận để làm cho nhân loại chúng ta tiến triển tốt đẹp hơn.

Nhưng đừng để hy vọng hão huyền lừa dối chúng ta. Thật thế, cho dù đã loại bỏ được hiềm khích và hận thù, nhưng nếu trong tương lai chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến dần đến cách thảm khốc tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc. Tuy nhiên, Giáo Hội Chúa Kitô được thiết lập giữa những lo âu của thời đại này, khi tuyên bố những điều trên, vẫn luôn hết sức vững tâm hy vọng. Thuận tiện hay không thuận tiện, Giáo Hội vẫn muốn trình bày và vẫn muốn trình bày mãi mãi cho thời đại chúng ta sứ điệp của các Tông Ðồ: "đây là thời thuận tiện" để cải tạo tâm hồn, "đây là ngày cứu độ" 5.


Chú Thích:

(lưu ý: những số ghi chú nhỏ hơn đã được đăng vào những số báo trước)

90* Phần nhập đề:

1) Hoà bình cần thiết để xây dựng một thế giới nhân đạo hơn cũng như xứng hợp với tinh thần Phúc Âm hơn số (số 77a). Vì thế, Công Ðồng có ý trình bày hòa bình đích thực cũng như lên án tính cách ác độc của chiến tranh (b).

2) Hòa bình đích thực (số 78a) phát sinh bởi tình thương (b) và do ơn Chúa Kitô (c). Các tín hữu phải xây dựng hòa bình (d). Công Ðồng khen ngợi những người không dùng phương tiện bạo động (e). Nhưng muốn hòa bình thì phải thắng tội lỗi (f).

Ðoạn 1. Loại trừ chiến tranh: Chiến tranh vẫn còn là sự kiện, và khí giới lại càng ngày càng dữ dội (số 79a).

A) Nguyên tắc cần phải tôn trọng luôn luôn: Không được tiêu diệt cả một dân tộc (b). Phải gìn giữ các khế ước quốc tế. (Có lẽ nên chấp nhận những kẻ lấy lý do lương tâm mà từ chối không muốn cầm súng) (c). Chiến đấu tự vệ như phương tiện tối hậu là hợp lý, nhưng có giới hạn (d). Quân nhân cũng góp phần cho hòa bình (e).

B) Vài trường hợp thực tế: 1) Hành quân không phân biệt mục tiêu và bất chấp giới hạn (số 80a), chiến tranh toàn diện (c), hay tấn công các đô thị và khu vực rộng rãi, đều bị lên án (d). Tích trữ khí giới khoa học có thể đưa tới các tội trạng đó (e). Hiện nay ta cần phải duyệt xét lại các nguyên tắc cổ truyền về chiến tranh (b). 2) Cuộc thi đua võ trang như phương tiện khuyến cáo đối phương (số 81a) không bảo đảm và cũng không đưa lại hòa bình đích thực (b), trái lại nó làm tổn thương kẻ nghèo (c). Ðàng khác ta phải lợi dụng khoảng thời gian chưa có chiến tranh (d).

C) Tìm cách loại trừ chiến tranh: bằng khế ước và quyền bính quốc tế (số 82a). Ai cũng phải giúp đỡ người có trách nhiệm. Ta phải đổi mới tinh thần (b). Phải kiện toàn những khế ước đã có. Phải đào tạo cá nhân vì dư luận rất có ảnh hưởng (c). Công Ðồng cảnh cáo mọi người về mối nguy cơ trầm trọng, đàng khác Công Ðồng hy vọng còn kịp thời hóa giải (d).

Ðoạn 2. Xây dựng cộng đoàn quốc tế: Trước hết bằng cách trừ khử tận gốc các mầm mống thù nghịch, ngay cả trong môi trường quốc tế (số 83). Rồi phải hiệp nhất để mưu ích chung cho quốc tế (số 84a). Vai trò của những tổ chức quốc tế (b): các tổ chức ấy được coi như là bước đầu trên con đường hòa bình (c).

A) Cần phải cộng tác kinh tế: để loại trừ sự bất bình đẳng và trạng thái lệ thuộc bất xứng (số 85a). Cộng tác tuỳ theo nhu cầu khác nhau của các quốc gia đang mở mang và đã tiến triển (b). Những thái độ cần phải vượt qua (c). Qui tắc về sự cộng tác ấy: Chính quốc gia đang mở mang phải cố gắng (số 86a). Quốc gia tiền tiến có bổn phận trợ lực các quốc gia kém mở mang (b). Cộng đoàn quốc tế phải chi phối chính sách viện trợ theo nguyên tắc bổ trợ (c). Nhiều lúc sẽ phải canh tân cơ cấu xã hội, nhưng cẩn thận kẻo làm thiệt hại cho tinh thần (d). Cần phải viện trợ nhiều hơn cho những quốc gia mà trong đó dân số đang gia tăng mau chóng (số 87a). Vai trò của chính quyền và các viện đại học về vấn đề này (b) và những giới hạn luân lý (c).

B) Vai trò: của tín hữu (số 88a). Việc cộng tác cá nhân hay nhờ phương tiện kinh tế (b). Cộng tác với các tín hữu khác (c). Vai trò của Giáo Hội (số 89a). Giáo dân càng góp phần trong cộng đoàn thì việc làm của Giáo Hội càng hữu ích (b). Giáo dân nên cộng tác với tổ chức quốc tế, nhất là tổ chức công giáo (số 90a), và với anh em ly khai cũng như với những người hiếu hòa khác (b). Công Ðồng tỏ ý ước mong rằng Tòa Thánh sẽ sáng lập một tổ chức quốc tế để cổ võ công bằng và tình thương yêu đối với các miền nghèo nhất (c).

91* "Phúc cho người hiếu hòa vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9). Chủ nghĩa hòa bình đích thực không hệ tại sự lên án chiến tranh và đòi hỏi ngưng chiến bất chấp hoàn cảnh, nhưng phải xây dựng hòa bình chính nghĩa (78a-c). Thiếu công bằng và tình thương, "hòa bình" chỉ trở nên một thứ bạo động càng đáng gớm ghét hơn vì nó gây nên thiệt hại tinh thần hơn cả vật chất. Do đó, ta không thể dựa vào tinh thần Phúc Âm mà đòi hỏi các quốc gia phải bỏ rơi số phận của nhân loại trong tay những kẻ xâm lăng đầy tội lỗi, vì đó chắc không phải là tinh thần Phúc Âm đích thực. Nếu một thứ thần học tin lành nào đó nhấn mạnh rằng luân lý Phúc Âm chống lại và vượt quá luân lý tự nhiên, bởi vì họ tưởng rằng thế giới và bản tính con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng hoàn toàn, cho nên tín hữu phải can đảm từ chối chiến đấu bất chấp hậu quả thì đối với người công giáo sẽ khác hẳn: bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa không những đã dựng nên thế giới và ủy thác cho con người phát triển và xây dựng thế giới, nhưng còn cho Chúa Kitô đến chuộc lại thế giới đó. Các nhiệm vụ do công ích phát sinh không chỉ có tính cách luân lý tự nhiên mà thôi. Nhưng chúng ta phải hết sức vất vả để xây dựng hòa bình bằng cách loại trừ tội lỗi (f), luyện tập đức công bằng và thương yêu (ab), tìm kiếm ơn thánh Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần (c), v.v... Trong phần hai, Công Ðồng nhắc lại một số phương tiện tự nhiên ta có thể áp dụng.

92* "Lấy lý do lương tâm mà từ chối cầm súng" có phải là một nhân quyền dân sự không? Hiện nay có nhiều người quả quyết như vậy. Tuy nhiên Công Ðồng vừa bênh vực quyền bính và nhiệm vụ của chính quyền để bảo vệ công ích (số 78ae); (79d), vừa ban khen quân nhân phục vụ quốc gia (79e). Ðàng khác, trong toàn bài nói về những nỗ lực để giảm bớt mức độ độc ác của chiến tranh, Công Ðồng lại phát biểu ý kiến rằng nếu chính quyền và luật pháp chấp nhận lý do lương tâm mà không buộc người vịn lẽ ấy phải cầm súng, điều đó có vẻ hợp lẽ phải. Thực ra, trước Công Ðồng đã có một số quốc gia lập luật chấp nhận lý do lương tâm, miễn là người vịn lẽ đó phục vụ quốc gia một cách khác.

93* Ngoài hai nguyên tắc cổ điển là "chiến đấu tự vệ" và "sự cân xứng giữa thiệt hại đã phải chịu và thiệt hại có thể gây nên", Công Ðồng nhấn mạnh nguyên tắc mới là nguyên tắc "không phân biệt mục tiêu". Nghĩa là đánh nhau bất chấp mục tiêu quân sự hay dân sự, xử dụng những võ khí quá mạnh mà không làm sao có thể điều khiển được, áp dụng phương pháp khủng bố, lúc ấy chiến tranh không còn có tính cách tự vệ nữa. Nguyên tắc này khiến ta phải xét lại lập trường cũ.

Không một chỗ nào chứng tỏ Công Ðồng theo chủ nghĩa hòa bình quá đáng, nhưng đàng khác Công Ðồng cũng không chấp nhận lập trường cứ yên tâm mà chiến đấu. Công Ðồng lưu ý chúng ta tới sự vô lý của cuộc thi đua võ trang đòi hỏi món tiền bao la đang khi biết bao người nghèo khó thiếu thốn (81c). Thật là vô lý khi các quốc gia tiến triển cũng như kém mở mang, dành cho ngân sách quốc phòng nhiều tiền hơn ngân sách giáo dục, phát triển, v.v... Công Ðồng khích lệ người có trách nhiệm áp dụng mọi phương pháp để loại trừ chiến tranh (82), rồi trong toàn phần hai lại đề nghị nhiều phương cách cụ thể để xây dựng hòa bình (83-90).

94* Xây dựng hòa bình là công việc của mọi người chúng ta, nhất là của tín hữu, bởi vì dư luận càng ngày càng có ảnh hưởng trên các nhà cầm quyền. Theo lời chỉ dẫn của Công Ðồng, Ðức Phaolô VI nhiều lần đã nhấn mạnh rằng ta phải đổi mới tâm trạng bằng cách tiêu hủy tính ích kỷ, sự bạo động, sự xâm phạm quyền lợi của người khác (8-12-1967), và bằng cách từ bỏ sự xung đột tư tưởng cũng như xu hướng bản năng kiêu căng và vô nhân đạo (1-1-1968). Trái lại, phải tìm kiếm tinh thần mới: đề cao nhiệm vụ và lòng tôn trọng tha nhân, tình huynh đệ, công bằng, thương yêu, tự do về khía cạnh dân sự, văn hóa, luân lý và tôn giáo (8-12-1967). Ðức Phaolô trông mong ở giới trẻ không biết bi quan (1-1-1968). Tất cả những ai đã phải khổ sở cũng như đã bị tử thương vì chiến tranh, đều kêu gào và đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần mới đó. Và nhất là Chúa Kitô đã nhập thể và đã tuyên bố rằng mọi người đều là anh em với nhau, đã giảng dạy giá trị thánh thiện của mạng sống và của việc tha thứ cho nhau; Người đòi hỏi phải có tâm trạng đổi mới ấy (1-1-1968)... Trong Thông Ðiệp Pacem in terris, Ðức Gioan XXIII đã nhấn mạnh nền tảng hòa bình cốt tại trật tự tự nhiên do chân thật, công bằng, thương yêu và tự do tạo nên. Bốn nhân đức ấy sẽ giúp đỡ không những cá nhân với cá nhân mà còn cá nhân với cộng đoàn chính trị, cũng như các quốc gia với nhau và với cộng đoàn quốc tế.

 
VỀ MỤC LỤC

THƠ SONG NGỮ: CAO CUNG LÊN !

 

Cao cung lên, hát ngợi khen mừng Chúa!

Ngày hôm nay, ngày vui của muôn dân

Ngày Ngôi Hai cứu độ xuống gian trần

Người sẽ chết để cứu chuộc nhân loại!

 

Cao cung lên, hàng ngàn năm khắc khoải

Nhân loại mong một đấng sẽ sinh ra

Cứu con người thoát cạm bẫy quỉ ma

Sống đức tin trong tình yêu bất diệt!

 

Chân lí Ngài là con đường Sự Thật

Đường Yêu thương, đường Bác Ái, Công bình

Đem loài người tới với ánh Bình Minh

Cùng đắp xây nền Hòa bình Công chính!

 

Cao cung lên, cho triệu lòng cung kính

Nhạc thiên cung hòa tấu khắp gần xa

Cho muôn người, muôn lòng trí trổ hoa

Mừng ngày vui, ngày Ngôi Hai đã đến!

 

Hãy thắp  ngàn  bạch lạp và hoa, nến

Hãy mừng vui buổi trời đất an hòa

Tâm hồn  người và thiên ý giao thoa

Mừng Ngôi Hai đã xuống ơn cứu độ!

 

Hoa Ơn thiêng sẽ tràn lan nở rộ

Muôn phúc ân tràn đổ các linh hồn

Người thiện tâm dào dạt những hồng ân

Thánh  danh Chúa trên trời cao sáng tỏ!

  

RAISE YOUR VOICE !

 Raise your voice to sing and praise the Lord!

Today is the people’s joyful day.

Because  the Savior, Jesus Christ came to the world,

He died to save the people from their sins.

Raise your voice because we had a thousand years of anxiety and hopelessness without a Savior.

He will save the people from the devil’s traps to live in faith and endless love.

His justice is the road to Truth.

And also the road to Love.

This road guides the people to dawn of peace.

 

Raise your voice for the millions and millions of respectful  and humble hearts,

The heaven’s choir is sounding  all around.

Million of  hearts are overflowing with joy at the coming of  Jesus!

Light up a thousand candles!

Bedect your soul with beautiful flowers!

Rejoice because we have heaven and peace on earth,

So the people’s hearts and God’s wish are combined together at the coming of Jesus Christ.

Blessed flowers bring peace to the people’s hearts and souls.

The name of the Lord in the heaven is greatly praised forever!

Xuan Vu TRAN DINH NGOC

 

VỀ MỤC LỤC
Linh Mục Anrê Trần Đức Huynh

 

Nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, Nguyên Giám Đốc Các Trung Học Tư Thục Bùi Chu, Nguyễn Bá Tòng Và Hưng Đạo, Đã Qua Đời Tại Orange. 

Linh Mục Anrê Trần Đức Huynh vừa về Nước Chúa vào lúc 8 giờ  tối ngày 18 tháng 12 năm 2007, tại nhà Hưu dưỡng Bùi Chu, Thành phố Garden Grove, Quận hạt Orange, California, hưởng thọ 88 tuổi và đã phục vụ Giáo hội 60 năm trong thiên chức linh mục.

Linh mục Trần Đức Huynh sinh ngày 23 tháng 11 năm 1920 tại Ứng Luật, Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm, họ hàng gần với nhạc sư Hải Linh. 

Ngay đầu thập niên 30 trong thế kỷ trước, ngài từ Giáo phận Phát Diệm sang Bùi Chu xin đi tu. Sau khi hoàn tất hai năm triết học tại đại chủng viện Quần Phương, thầy Trần đức Huynh được cử về tiểu chủng viện Ninh Cường để hướng dẫn và dậy tiếng La-Tinh cho một lớp đàn em.  Chính thời gian này là cơ hội giúp thầy lưu tâm đến vấn đề giáo dục. 

Ngày 4 tháng 8 năm 1947 thầy Huynh lãnh chức linh mục tại thánh đường Tòa Giám mục Bùi Chu do Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Giáo phận  Bùi Chu ban. Sau đó ngài làm linh mục phó xứ Lạc Đạo, huyện Nghĩa Hưng.

Vì tha thiết với giáo dục từ lúc còn học tại chủng viện, linh mục Trần Đức Huynh cùng với linh mục Phạm Châu Diên được Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi uỷ thác nghiên cứu để thiết lập một trường trung học cho tỉnh Bùi Chu mới thành lập.

Năm 1950 Đức Cha Phạm Ngọc Chi cử cha Huynh làm Hiệu Trưởng trường này, lấy tên là  Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn. Ban đầu là một trung học tư thục, số học sinh niên khóa đầu 1950-1951, gần một ngàn, từ lớp đệ thất đến lớp đệ tam.

Với kinh nghiệm làm việc, cha Huynh đã đặt kế hoạch vận động mạnh cho trường Hồ Ngọc Cẩn được tồn tại và trở thành công lập.

Mùa hè năm 1954, khi cảm thấy trường Hồ ngọc Cẩn có nguy cơ phải bỏ tỉnh Bùi  Chu vì tình hình chiến cuộc và cuối tháng 7, 1954 linh mục hiệu trưởng đã chuyển toàn bộ hồ sơ của trường vào          

Linh Mục Hiệu Trưởng và Giáo Sư - 1953

Sàigòn và sắp xếp để trường được mở cửa lại tại Sàigòn trong khu nhà thờ Huyện Sĩ. Do đó trường Hồ Ngọc Cẩn đã có điều kiện mở cửa lại sớm nhất so với các trường trung học từ Bắc di cư vào Nam. 

Sau hai niên khóa tọa lạc tại khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ, trường Hồ Ngọc Cẩn được bộ Giáo Dục dời về tỉnh lỵ Gia Định, chiếm một trường tiểu học đã được sửa sang lại và xây thêm.

Nhận thấy trường Hồ Ngọc Cẩn đã qua được mọi khó khăn, an nhiên và vững vàng trong sinh hoạt giáo dục, linh mục Trần Đức Huynh đã chuẩn bị sẵn sàng từ đầu niên khóa 56-57 để rời khỏi trường trung học Hồ Ngọc Cẩn.  Trường Hồ Ngọc Cẩn được giữ cho tới ngày 30-4 -1975 thì bị xóa tên. 

Tiếp tục công tác giáo dục như là một sở trường, linh mục Trần Đức Huynh đã nắm giữ ba chức giám đốc của ba Trường trung học lớn và danh tiếng nhất đó là trung học tư thục Bùi Chu, trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng và trung học tư thục Hưng Đạo.         

Trung học tư thục Hưng Đạo, tọa lạc tại 125 và 115 đường Cống Quỳnh Saigon. Đây là một tư thục mở ra vì mục đích phát triển văn hóa, tìm một hướng tiến lên theo đà tiến triển của các quốc gia văn minh nhất thế gới như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ. Với sự điều hành của Giáo sư Nguyễn Văn Phú, tới niên khóa 1974-1975 chỉ kể các lớp 12 tại trường Hưng Đạo lên tới bốn mươi (40) lớp.

Tuy bỏ nước ra đi đột ngột, mất mát tất cả những gì cao quý đáng giá đang xây dựng được, linh mục Trần Đức Huynh vẫn bình tĩnh quay về chăm lo bổn phận của một giáo sĩ, lãnh trách vụ quản nhiệm cộng đoàn tại một giáo xứ ở San Antonio, Texas từ năm 1975. Qua thời gian ban đầu lận đận của một người tỵ nạn, cha Huynh đã nặng lòng nhớ tới những người thân cận còn kẹt lại ở Việt Nam, ngài tìm mọi cách để liên lạc, tận tình giúp đỡ. Linh mục Trần Đức Huynh dồn tất cả nỗ lực để yểm trợ Giáo hội Công giáo quê nhà. Cha đã vận động mọi giáo dân Việt Nam ở hải ngọai hình thành quỹ "bảo trợ ơn thiên triệu" để gửi về Việt Nam duy trì các chủng viện, giúp đỡ các chủng sinh « chui » có điều kiện theo ơn gọi làm linh mục.

Trong Lễ Ngân Khánh của ngài được tổ chức vào ngày 3 tháng 8 năm 1997, cha nói: “Thâm tâm, tôi chỉ muốn ngày này được đánh dấu bằng những sinh hoạt thuần túy tinh thần, thiêng liêng mà thôi.” Mười năm sau, ngày 5 tháng 8 năm 2007, Lễ Ngọc Khánh của ngài đã được tổ chức đơn giản tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange. Tất cả số tiền thu được đều dành cho nhà Hưu dưỡng Bùi Chu.

Một công trình đáng ghi nhớ là cha Huynh đã cố gắng thâu gom tài liệu để thực hiện cuốn "Lịch sử giáo phận Bùi Chu" khổ lớn gần 500 trang, một cách qui mô và tỉ mỉ, với hàng ngàn hình ảnh, đúng theo tinh thần của một sách giáo sử.

Hình ảnh người Mục Tử ở tuổi “bát tuần” ngày ngày cặm cụi bên máy điện toán với hàng chồng sách báo, tài liệu, hình ảnh la liệt chung quanh trong một căn phòng nhỏ, chật chội thiếu tiện nghi đã tạo nên những xúc động lớn cho những ai có dịp ghé thăm ngài. Đấy là một căn phòng chỉ đủ kê chiếc ghế Lazy boy để nghiêng vì ngài không nằm ngủ bình thường được do bệnh xuyễn kinh niên; mấy kệ sách, một bàn nhỏ cho dàn computer, một quạt máy, hai chiếc ghế không vách dựa, mà khi không có khách, ngài có thể lùa vào gầm bàn để có đường di chuyển lúc vào ra.

Lối sống ấy đã bám sát đời ngài từ khi còn ở miền Bắc qua những năm tháng tiếp tục làm Hiệu Trưởng trường Hồ Ngọc Cẩn được di chuyển vào Nam, làm Giám Đốc điều hành hệ thống ấn loát và các cơ sở giáo dục tư thục Nguyễn Bá Tòng và Hưng Đạo tại thủ đô Saigon.....cho tới thời gian về hưu dưỡng tại Orange thuộc miền Nam California.

Linh mục Trần Đức Huynh, đã dành suốt cuộc đời cống hiến cho Tôn Giáo và Dân Tộc. Là những môn sinh hay những người đã có dịp cộng tác với Linh mục Trần Đức Huynh, ai cũng công nhận ngài là một người có đầu óc sáng suốt quyết đoán mau lẹ, chắc chắn, hữu hiệu và khôn  ngoan, tính tình điềm đạm, kín đáo, có óc tổ chức, và có một viễn ảnh nhìn xa trông rộng. Người ta biết đến ngài như là một nhà văn hóa, giáo dục, nhưng trong cuộc đời ngài còn là một “nhà chính trị không làm chính trị”, được thể hiện qua nhiều việc và điển hình là nhiều lần ngài đã đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiếp xúc với các vị nguyên thủ quốc gia ở miền Nam trước 1975.

Ngày 18 tháng 12 năm 2007, cha đã đến dự bữa cơm trưa thân mật tại một nhà hàng, với khỏang 10 môn sinh, hầu hết trên dưới 70 và cũng đã thành danh. Ngài chỉ dùng 2 chén cháo, từ tốn ngồi nghe chuyện và nhỏ nhẹ trả lời những câu hỏi của anh em. Ngài đã đột ngột ra đi vĩnh viễn lúc 8 giờ tối, sau khi hòan tất dâng Thánh Lễ tại nhà Hưu dưỡng, để lại bao lưu luyến tiếc thương của mọi người. Giờ đây ắt hẳn ngài đang huởng tôn nhan Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã hết lòng phụng sự.

Từ năm 1950, linh muc Trần Đức Huynh – đúng ra phải nhớ tới ĐGM Phạm Ngọc Chi và LM Trần Đức Huân-- đã tạo cơ hội cho hàng ngàn thanh thiếu niên thôn quê bước vào trung học làm cái đà tiến lên đại học và sau đại học.  Môn sinh của ngài hiện nay có tới hàng chục ngàn. Họ là những chức sắc trong Giáo hội Công giáo: giám mục, linh mục, tu sĩ và nữ tu trong đó có tới hàng trăm người được du học nước ngòai để đạt trình độ tiến sĩ. Họ là những chuyên gia thuộc mọi tôn giáo, có mặt ở khắp mọi lãnh vực, có danh phận ở trong và ngòai nước. Điều đáng nói hơn cả là, theo gương người thầy khả kính, họ biết đem tài năng phụng sự xã hội, như một ơn gọi và trách nhiệm, như một cách trả ơn những bậc sinh thành, những người Thầy và trả ơn đời.

Nguyễn Đức Tuyên

VỀ MỤC LỤC
CÓ BUỘC DỰ LỄ NGÀY CHÚA NHẬT Và KIÊNG VIÊC XÁC KHÔNG ?

 

Hỏi: xin cha giải thích rõ luật buộc xem lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng và luật kiêng việc xác các ngày này.

Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cần nói qua về ý nghĩa và mục đích cử hành Lễ ngày Chúa Nhật  và các ngày lễ buộc trong phụng vụ của Giáo Hội.

Như chúng ta biết, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái phải giữ ngày Sabat, thức ngày thứ bảy trong tuần như sau:

“ ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc gì, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi..” (Xh 20:8-10).

Đây là nguồn gốc của luật giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ trọng  và luật kiêng làm việc xác những ngày này trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay.

Thật vậy, Thiên Chúa muốn cho dân Do Thái dành riêng một ngày để thờ kính Ngài và suy niệm về công trình sáng tạo vũ trụ và tạo dựng loài người cách riêng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Ngài cũng không có ý bắt buộc họ phải giữ ngày Sabat một cách máy móc, nghiêm ngặt đến nỗi không cho ai làm bất cứ điều gì trong ngày này kể cả chữa bệnh cho người đau ốm hoặc cho người đói khát ăn uống. Đây chính là sự mù quáng của nhóm Biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu khi bọn này bắt bẻ Chúa chữa bệnh trong ngày Sabat, khiến Người đã phải nghiêm khắc nói với họ như sau: “ Ai trong các ông có con chiên độc nhất bị sa xuống hố ngày Sa bát lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao ? Mà người thì quí hơn chiên biết mấy. Vì thế, ngày Sabat được phép làm điều lành.” (Mt 12:11-12)

Như thế cho thấy rõ là Chúa Giêsu không hài lòng về cách giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái vì họ hoàn toàn hiểu sai mục đích Thiên Chúa mong muốn cho dân tuân giữa ngày này. Họ giữ theo luật để bắt bẻ người khác không giữ luật cách máy móc như họ chứ không phải giữ vì lòng mến Chúa thực sự.

I- Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng trong Giáo Hội ngày nay.

Người tín hữu ngày nay không buộc giữ ngày Sabat  nhưng phải giữ ngày Chúa Nhật. Trước hết, theo giáo lý của Giáo Hội thì ngày Chúa Nhật được gọi là Ngày của Chúa (Dies dominica) theo tinh thần Thánh Vịnh 118: 24:

    “ Đây là ngày CHÚA đã làm ra

      Nào ta hãy vui mừng hoan hỉ”

Mặt khác, ngày Chúa nhật cũng là ngày kỷ niêm Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Giáo Hội dạy rằng : “ việc cử hành Ngày của Chúa và Hy tế Tạ Ơn của Chúa (The Eucharist) mỗi ngày Chúa Nhật là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Ngày Chúa Nhật cũng là ngày cử hành Mầu Nhiệm vượt qua theo truyền thống Tông Đồ, và phải được tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ buộc chính yếu.” (x. SGLGHCG, số 2177; giáo luật số 1246).

Như thế, ngày Chúa Nhật vữa hoàn tất tinh thần ngày Sabat ca tụng Thiên Chúa về công trình sáng tạo của Ngài  vừa làm sống lại Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô qua phụng vụ thánh để nhắc nhở mọi tín hữu về sự viên mãn của công trình cứu chuộc và hy vọng vào ơn cứu độ nhờ Chúa Kitô.

Nói khác đi, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật trước hết là để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài qua Chúa Kitô, đồng thời cũng nói lên hy vọng vào ơn cứu độ, vào  sự sống chung cuộc trong  Nước Thiên Chúa sau khi đã sống và làm chứng tá đích thực cho Tin Mừng Cứu Độ nơi trần thế này. Như vậy, các tín hữu phải sốt sắng và vui sướng được tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật thay vì ngần ngại hay miễn cuỡng phải giữ  vì luật buộc.Nghĩa là phải coi luật buộc này như sự nhắc nhở đặc biệt của Giáo Hội về ý nghĩa và mục đích của phụng vụ thánh ngày Chúa Nhật chứ không phải sự gò bó làm mất tự do của ai.

Nói về luật buộc, thì ngoài ngày Chúa Nhật quanh năm,  giáo luật cũng liệt kê thêm các ngày lễ trọng khác như lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh , lễ Phục Sinh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ Đức Me là Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm , lễ Đức Mẹ lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phaolô và Phaolô Tông Đồ, lễ các Thánh nam nữ . (x. giáo luật số 1246,triệt 1)

Tuy là luật buộc, nhưng không có nghĩa là bó buộc trong mọi hoàn cảnh, không chút nhân nhượng nào như thái độ giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái xưa.

Nói rõ hơn, trong điều kiện bình thường, thì mọi tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng khác. “ Những ai lỗi phạm nghĩa vụ này cách có suy nghĩ thì phạm một  tội trọng” (x.SGLGHCG số 2181). Nhưng trong những truờng hợp bất khả kháng như đau yếu, phụ nữ sinh con, người săn sóc bệnh nhân trong nhà thương hay tư gia, sinh sống ở nơi không có nhà thờ Công Giáo, bị bắt buộc phải đi làm theo lệnh hay đòi hỏi của chủ nhân trong ngày Chúa nhật, nhân viên công lực phải làm nhiệm vụ, hoặc  binh sĩ tác chiến ngoài trận địa….. thì đó là những lý do chính đáng  không buộc phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng , tức là không có tội nếu không tham dự được thánh lễ các ngày đó.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trong vì lòng yêu mến Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh ..chứ không phải vì sợ lỗi luật buộc hay sợ người ta phê bình là “khô đạo”.

II- Luật kiêng làm việc ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trong.

Kinh Thánh cho biết :  “..Khi làm xong mọi công việc của Người , ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.” ( St 2,2).

Đây là lý do khiến Giáo Hội mong muốn cho các tín hữu tạm ngưng nghỉ các công việc làm ăn bận rộn hàng ngày để dành thì giờ và tâm trí cho việc thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa cách đặc biệt trong Ngày của Chúa, đồng thời cũng có chút thì giờ để thư giãn thể xác và tâm hồn hầu lấy lại sức cho những sinh hoạt tiếp tục sau đó. Như vậy luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng cũng nhằm giúp chu toàn bổn phận thiêng liêng trong các ngày đó một cách tốt đẹp, hài hoà giữa thể xác và tâm trí. (giáo luật số 1247; SGLGHCG số 2184)

Tuy nhiên, cũng như luật giữ ngày Chúa Nhật, luật kiêng làm việc cũng không nhất thiết áp dụng khắt khe trong mọi trường hợp. Thông thường khi không có lý do chính đáng thì các tín hữu phải chú tâm chu toàn việc thờ phượng Chúa và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, để kính nhớ sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa trong ngày thứ bảy sau khi Ngài đã hoàn tất mọi việc sáng tạo trong sáu ngày. Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, nhất là ở những nơi người ta chủ yếu hoạt động thương mạiï và dịch vụ  vào những ngày cuối tuần khiến rất nhiều người phải đi làm hay mở của hàng buôn bán, lo dịch vụ  trong  ngày thứ bảy và chúa nhật. Do đó vì lý do sinh sống thực sự  cho gia đình hay vì lợi ích của xã hội thì đây là “ những lý do chính đáng để chuẩn miễn việc buộc nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật” (x. Sđd, số 2185).

Điều quan trọng là phải chu toàn việc thờ phượng Chúa trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, nghĩa là không được tự ý gây trở ngại cho việc đi dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

Nói khác đi, khi có điều kiện cho phép thì phải giữ các ngày lễ buộc và kiêng việc xác trong những ngày này. Nhưng nếu vì lý do kinh tế, phải đi làm những ngày đó mới đủ sống cho bản thân và gia đình, hoặc phải đi làm theo đòi hỏi của người thuê mướn;  bác sĩ , y tá làm việc ở các bệnh viện, nhân viên cấp cưú, nhân viên an ninh công cộng phải làm theo nhu cầu của lợi ích chung thì không thể giữ luật buộc để nghỉ việc được. Đó là lý do chính đáng để được miễn trừ theo lương tâm và theo giáo lý của Giáo Hội.

Tóm lại, luật chỉ áp dụng trong những trường hợp bình thường để tránh thói lười biếng hay cố ý lơ là những bổn phận thiêng liêng mà thôi.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

VỀ MỤC LỤC
“HOÀI - ĐỨC và HẢI – LINH”.

 

TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU

MỪNG NGÀY CHÚA SINH RA
&
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

Dù đã được tiết lộ nhiều tháng trước, nhưng việc Ông Tony Blair chính thức gia nhập Hội Thánh Công-giáo vào ngày 21.12.2007 đã được báo chí và các phương tiện truyền thông hầu như trên khắp thế giới đưa tin và bình luận. Hãy cám ơn ông nguyên thủ tướng nước Anh tài ba nầy, vì ông đã không để nhuốm mùi chính trị sự kiện ông trở về với đức tin Công-giáo La-Mã khi đang cầm quyền. Việc trở lại của ông thay cho muôn lời hộ giáo hùng biện và là câu trả lời rõ ràng cho những kẻ đang lạm dụng tự do, để bài xích, bôi nhọ và xuyên tạc Chân Lý Đức Tin và Hội Thánh Công giáo với những dụng ý độc ác, xâu xa và thù nghịch. Nhưng người mà chúng ta phải cám ơn hơn hết, người phụ nữ luôn rất kín đáo và âm thầm sau lưng chồng, không se sua, không tự làm nỗi bật như hầu hết các mệnh phụ phu nhân khác, song ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ, đường lối và hành động của Ngài nguyên thủ tướng nước Anh, chính là bà  Chérie Blair (và cả bốn người con trai gái của hai ông bà). Ông Tony Blair vẫn hay âu yếm (và hãnh diện) tự nhận mình chỉ là “tiểu đội phó”. Mọi quyết định đều do “tiểu đội trưởng” Cherie Blair. Đến giờ phút nầy, hẳn ông Tony Blair cảm tạ Thiên Chúa vì ơn phúc Ông nhận được và những thành tựu trong sự nghiệp, là từ Hôn Nhân và Gia Đình. Hôn Nhân thành công và Gia Đình thành công rõ ràn là từ người vợ, người mẹ. Hôn nhân và Gia Đình thành công không chỉ tạo nên hạnh phúc, mà là nguồn gốc của bao điều tốt đẹp, trong đó quan trọng nhất là đời sống chứng nhân và truyền giáo. 

Trong hệ thống đo lường cổ của Việt-Nam, một dặm bằng một triệu ly (ly = 1 mm), tức là khoảng một kilô-mét. Tất nhiên đây chỉ là những con số tượng trưng, để cho thấy khởi điểm có tầm quan trọng quyết định thế nào cho tương lai, đích đến. Không chỉ là “cái sẩy, nẩy cái ung”, mà “sai một ly, đi một dặm”. Từ cổ chí kim, có vô số sự kiện, biến cố về mọi lãnh vực, đã xảy ra hoàn toàn khác với những gì người ta mong đợi, do tính toán sai lầm hoặc do sự can thiệp từ con người hoặc thiên nhiên: Nếu ở Waterloo, các lực lượng chi viện không gặp ngăn trở và thực hiện đúng kế hoạch của hoàng đế Napoléon, thì bản đồ Châu Âu hẳn sẽ không như bây giờ. Người Tây Phương có câu châm ngôn rất thú vị và ý nhị: “Nếu cái mũi của nữ hoàng Cléopâtre dài hơn chút nữa, hẳn bộ mặt trái đất đã đổi thay”. Đầu năm nay, ngày 3 tháng 1, Hãng tin Reuters thuật lại câu chuyện một thanh niên người Đức do ghi lầm Sydney thành Sidney, mà thay vì sang Úc hưởng mùa hè nắng ấm với người yêu, thì suýt chết cóng vì máy bay đưa anh ta sang một thành phố Mỹ đang giữa mùa đông. Trong các tôn giáo, - đặc biệt trong Kitô-giáo - việc hiểu sai, dù là vô tình hoặc do thiếu hiểu biết, cũng dẫn đến những hệ quả khó lường, mà việc uốn nắn, sửa sai không dễ dàng chút nào.

Nghệ sĩ luôn có cái nhìn rất riêng của họ. Hai nhạc sĩ Công giáo là cố linh mục Hoài Đức Lê-Đức-Triệu và cố nhạc sư Hải Linh cũng không là ngoại lệ. Chúng ta tri ân hai vị nhạc sĩ nỗi danh với hai bản thánh ca Giáng Sinh bất hủ “Cao Cung Lên” và “Hang Bê-lem” từ sáu thập kỷ qua vẫn đứng đầu danh sách bầu chọn các bài thánh ca Noel hay nhất Việt-Nam . Có rất nhiều nét tương đồng nơi hai vị cố nhạc sĩ nầy: cùng quê Nam Định, gần như cùng lứa tuổi (linh mục Hoài Đức sinh năm 1922, trong khi nhạc sư Hải Linh sinh năm 1921) và đặc biệt nhất là cả hai cùng sáng tác hai bản nhạc bất hủ với trình độ nhạc lý tự học, rất “i tờ”. Điều chúng ta muốn nói, - trước hết xin tạ lỗi với hương hồn hai nhạc sĩ vì so sánh không “chỉnh” lắm nầy, - ấy là nội dung hai bản thánh ca kha giống nhau và cùng tô vẽ, lả lướt, rạng ngời đắm đuối, nhưng vẫn có một chút khác biệt trong cách nhìn của một linh mục tương lai và một giáo dân đạo đức, dù không phải là “sai” một ly để rồi “đi một dặm”, song cũng điển hình cho các khuynh hướng nghe – nhìn – nghĩ - sống trong Giáo Hội: “Thôi hỡi trần gian, im tiếng đi mà cung kính: Chúa Con sinh ra trong máng cỏ khó hèn” (Cao Cung Lên) và “Trong hang Bê-Lem ánh sáng toả lan tưng bừng; nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng” (Hang Bê-Lem). “Hoài-Đức” khác với “Hải Linh” là như vậy đó: nhiều hơi hướng khó nghèo, rét buốt, âm thầm hơn ở “Hoài Đức” và nhiều ánh sáng và nhã nhạc vang lừng hơn nơi “Hải Linh”. Hai cái nhìn ấy, hay đúng hơn là cái nhìn “Chúa sinh ra” huy hoàng, vẻ vang và tưng bừng, đã rất nhiều thời kỳ làm điêu đứng Giáo Hội: nhiều Giáo Hoàng, nhiều giám mục, nhiều linh mục đã bỏ đức khó nghèo, chạy theo đời sống xa hoa. “Tin Mừng cho người nghèo khổ”, đời sống đạo đức, bác ái “cộng sản” thời khai nguyên, chỉ còn là kỷ niệm. Chúa Giêsu với cuộc sống khó nghèo, đơn sơ và chịu khổ nạn, chỉ là một nhân vật với những sự kiện lịch sử đã qua, chẳng còn bao giờ lập lại. Thánh Gia Thất chỉ là một trong muôn vàn gia đình sống mức nghèo ở Israel thời bấy giờ. Nay đã đổi khác!  

Sự khó nghèo của Chúa Giêsu trong ngày sinh ra và của Thánh Gia Thất trong cuộc sống được “thi vị hoá” đến mức khiến cho rất nhiều người thuộc mọi đấng bậc trong Giáo Hội chỉ còn nói về nghèo khó như một điều bất đắc dĩ. Lễ Noel với những sm sửa chuẩn bị mừng lễ cả tháng trước, làm giàu cho bao nhiêu công ty  và cá nhân, làm cho cuối cùng không khí thuần lễ hội lấn át cả tính chất thiêng liêng, trang nghiêm sốt sắng vả cảm động ngày Chúa đến. Quá nhiều chất thơ khi ta nhìn vào máng cỏ thời nay, không chỉ ở các nơi đình đám hội hè hay ở tại các gia đình, mà ngay cả ở trong các giáo đường. Quá nhiều thánh ca đã tô vẽ hang lừa máng cỏ nên cảnh mộng mơ kỳ ảo. Hình như người ta cảm thấy không thoải mái và tự hào với một Đức Chuá nghèo khổ bất lực như thế và khó chấp nhận một gia đình không có được những cái tối thiểu cho thai phụ và hài nhi như là Thánh Gia Thất xưa. Nhưng thực tế máng cỏ, hang lừa, chiên bò, mục đồng,… không thể nào còn thay đổi, làm lại, viết lại được nữa; vì thế, cách tốt nhất là biến từng cọng rơm, ngọn cỏ, thành nhạc và biến gió rét, giá lạnh, trống trải nghèo khó nên thơ, như trong truyện cổ Nàng Bạch Tuyết hoặc Cô Gái Lọ Lem! Từ đó đời sống khó nghèo nên ít nhiều lạc lỏng và đáng xấu hổ trong xã hội tiêu thụ và hiện đại nầy. Hậu quả là người nghèo, đối tượng chính phải được rao giảng Tin Mừng, chăm chút yêu thương, lại trở thành những gánh nặng chẳng đặng đừng hoặc dùng làm “bung xung” mỗi năm một vài lần, để “trưng bày” nhãn mác bác ái từ thiện. Với suy nghĩ và hiện thực ấy, Giáo Hội ở nhiều nơi và trong nhiều bộ phận, đã dễ dàng trở thành mồi ngon cho Xa-tan và các thế lực thù nghịch, chưa nói đến những vụ bê bối sai lạc xảy ra trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ, mà nguyên nhân sâu xa cũng là vì bỏ qua, chối từ sống nghèo, chạy theo ý riêng, vật chất và xa hoa.  Thánh Phanxicô Atxidi và Thánh Đa-Minh đã được Chúa sai đến, để làm cho Giáo Hội bừng tỉnh giấc mơ “thế trần tục lụy” đi ngược với Tin Mừng, bằng gương khó nghèo của các tu sĩ hai Hội Dòng được lập nên gần như cùng lúc. Và Thánh Phanxicô là người đầu tiên đã bài trí Hang Đá Bê-Lem, để nhắc nhở sự thật về Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể sinh ra: khó nghèo, rất khó nghèo, hoàn toàn khác với những lễ hội tưng bừng, đầy ca vũ nhạc, tiệc tùng, quà cáp và thậm chí những trò lố lăng dâm dật trong ngày mừng Chúa Giêsu sinh ra. Cải tổ chính yếu ấy  - sống đức khó nghèo phúc âm – đã thổi hơi gió mát trong lành và mau chóng hồi sinh Giáo Hội Công Giáo.  

Lạy Chúa Hài Đồng, có lẽ Chúa vừa buồn vừa buồn cười vì những gì diễn ra ở trần gian trong những ngày mừng ngày sinh của Chúa. Nó chẳng khác nào làm một bài thơ lâm ly về chiếc áo rách bay phất phơ trong gió rét mùa đông của một ông lão ăn xin đang tím người vì đói và rét : người sáng tác, người ngâm nga, khán thính giả, ai cũng hài lòng, vỗ tay ca ngợi, duy chỉ có người ăn xin là tê tái. Những gì chúng con đang làm cho Chúa, để mừng sinh nhật Chúa, để mừng gia đình của Chúa, chỉ gói gọn trong những quần là áo lượt, tiệc tùng vui chơi và tò mò đi xem, phê bình mẫu mã hang đá so với các năm trước : vẫn Chúa Hài Nhi và hai ông bà Giuse – Maria bằng đất nặn, sơn phết màu mè, không gợi lại chút ý nghĩa thiêng liêng, đạo đức nào. Đèn hoa và các trang hoàng khiến cho hang đá nghèo biến thành hoàng cung rực rỡ giàu sang. Hẳn Chúa buồn lắm. “Hoài-Đức” khác với “Hải Linh” là như vậy đó: Hình như có hai “Hài Nhi Giêsu” sinh ra cùng lúc ở hai nơi, trong hai tình trạng khác biệt nhau hoàn toàn. Con sẽ chọn “Giêsu” nào? Giêsu nào sẽ sinh ra hoặc được con sinh hạ trong đời sống Hôn Nhân và Gia Đình của con?

CVK Nguyễn-Thế-Bài      TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU 82

VỀ MỤC LỤC
TRÁNH TRANH CHẤP QUYỀN HÀNH

 

- Rửa sạch cái đĩa cho chó ăn kìa, bà mẹ ra lệnh cho cô bé Kim Chi.

- Tại sao con phải làm việc đó?

- Mẹ bảo đem rửa sạch cái đĩa cho chó ăn đó! Con có nghe không? Hãy làm ngay đi.

- Con không thấy lý do tại sao con phải làm điều đó?

- Vì mẹ bảo con làm có được không?

Cô bé nhún vai và không làm điều mẹ nó bảo. Vài giờ sau, bà mẹ nhìn thấy cái đĩa vẫn còn dơ và kiến bò đầy trên đó. Bà gọi cô bé lại và nói:

- Mẹ đã bảo con đem rửa sạch cái đĩa đó cách đây mấy tiếng đồng hồ rồi. Tại sao con không làm? Hãy nhìn kìa. Kiến bò đầy cả rồi. Bây giờ đi dọn ngay đi!

- Vâng, vâng.

Nhưng khi bà mẹ quay đi. Cô bé cũng chẳng chịu đem đĩa đi rửa. Một lúc sau, bà mẹ nhìn thấy đĩa vẫn chưa được dọn rửa. Lần nầy bà mới phết đít cho cô bé mấy cái. Cô bé thụng mặt ra nhưng cô không khóc.

- Nếu con không chịu thu dọn ngay bây giờ, con phải đi ngủ sớm. Không được coi tivi tối nay.

- Vâng, con sẽ dọn.

Cô bé cúi xuống lấy đĩa trong khi bà mẹ quay đi, nhưng vẫn không chịu chùi rửa đĩa. Sau đó bà mẹ khám phá ra: cái đĩa vẫn nguyên tình trạng dơ bẩn như vậy.

Cả hai mẹ con đã đi vào cuộc tranh chấp quyền hành. Bà mẹ cố gắng bắt cô bé thi hành lệnh. Cô bé cho thấy ai là kẻ có quyền. Rõ ràng một sự tranh chấp quyền hành đang tăng dần đến mức độ cần lưu ý. Con số những đứa trẻ như thế được đưa tới văn phòng cố vấn bỡi cha mẹ càng ngày càng nhiều. Tại sao vậy? Đâu là vấn đề? Con trẻ ngày hôm nay dám làm những điều mà chúng ta không bao giờ dám đối với cha mẹ chúng ta. Tại sao như thế? 

Vấn đề được khởi động bỡi sự thay đổi văn hóa cách tổng quát đang xảy ra. Con trẻ cảm được bầu khí dân chủ của thời đại chúng ta và phục thù những cố gắng nắm quyền trên chúng của chúng ta. Chúng tỏ sự giận dữ bằng cách trả thù. Chúng kháng cự sự cầm quyền của chúng ta và ngược lại muốn tỏ cho chúng ta thấy quyền hành của chúng. Trận đầu khai diễn trong đó cha mẹ cố gắng xác định quyền hành và con trẻ tuyên chiến. Chúng nhất định không chịu khuất phục. Tất cả những cố gắng để thống trị chúng đều vô ích. Con trẻ khôn hơn trong những trận chiến tranh giành quyền hành. Chúng không bị trói buộc bỡi những thể diện bên ngoài xã hội hoặc những hậu quả hiểm nguy bỡi hành động của chúng. Gia đình trở thành bãi chiến trường. Không còn có sự cộng tác, cũng không có sự hài hòa. Trái lại chỉ có giận dữ và hận thù. 

Bà mẹ đã thuyết phục được bé Kim Liên 12 tuổi đồng ý rửa sạch hộp đựng thức ăn trưa và bình đựng sữa của nó ngay khi nó từ trường về nhà và mọi sự xem ra tốt đẹp. Bỗng một ngày kia, cô bé lơ đảng không chịu chùi rửa. Bà mẹ giận dữ khi nhìn thấy chiếc hộp được để trên bàn với những thức ăn dính đầy bẩn thỉu, và bình đựng sữa đã bốc mùi chua. Bà mẹ quở cho một trận. Cô bé hứa sẽ nhớ. Nhưng một vài ngày sau, cô bé cũng lại bê bối ra. Lần nầy bà mẹ nhớ lại một phương cách giáo dục: “Cứ để hậu quả sẽ dạy nó”. Vì thế, bà không quan tâm nữa nhưng lại giận dữ trong lòng. Bà nói với chính bà: “Ta sẽ tỏ cho nó thấy”. Sáng hôm sau, bà gói bữa ăn trưa trong bao giấy và đặt tiền mua sữa trên bàn. Cô bé biết chuyện gì xảy ra. Bà mẹ bỏ hộp đựng thức ăn trưa đó qua một bên. Bà ngẫm nghĩ: “Tôi nhất định không rửa”. Bình đựng sữa và hộp đựng thức ăn ngày càng lên mốc và bốc mùi hôi. Bé Kim Liên tiếp tục mang thức ăn trưa trong bì giấy. Bà mẹ càng ngày càng nên giận dữ khi ngày trôi qua. Sau cùng bà nổi cơn giận và trút lên đầu cô bé. Cô bé đỏ mặt, mặt sập xuống nhưng vẫn không chịu đi rửa hôp và bình đựng sữa. Cuối cùng, trong thất vọng bà mẹ đẩy cô bé vào trong bếp, đứng bên cạnh bắt cô bé phải rửa cho đến khi làm xong. Bà mẹ nghiến răng bảo: “Từ nay con có lo nhớ không?” Cô bé hứa: “Vâng, thưa mẹ”. Tuy nhiên, ngày hôm sau, cô bé lại bỏ dơ không chịu rửa. Hoàn toàn thất vọng, bà mẹ quyết định: “Con chỉ mang thức ăn trưa trong một cái túi”. Cô bé đáp lại: “Không sao cả”.

Ngày cô bé không chịu rửa hộp và bình đựng sữa, và bà mẹ giận dữ là ngày cao độ của cuộc chiến giành quyền hành. Bà mẹ vẫn cố gắng ép buộc cô bé làm điều bà bảo. Bà đã áp dụng phương pháp đó như một hình phạt. Câu nói “ta sẽ cho thấy” là một sự trả thù. Cô bé cảm được sự giận dữ của mẹ dầu bà mẹ cố gắng che dấu. Bà muốn áp dụng phương pháp “hậu quả tất nhiên”, nhưng bà không để ý đến bản chất của phương pháp đó. Khi bà bỏ thức ăn vào bao giấy và cho tiền mua sữa, bà đã làm mất đi hậu quả tất nhiên của nó: bà vẫn còn tiếp tục phục vụ dẫu cô bé không muốn cộng tác. Lẽ ra bà không nên chuẩn bị bữa ăn trưa như thường lệ vì không có hộp đựng thức ăn. Bà chỉ để thức ăn trên bàn, cái kế tiếp là phần của cô bé. 

Cô bé có ý cho mẹ thấy rằng cô không thể bị ép buộc làm việc đó. Cô chấp nhận mọi sự hơn là phục tùng lệnh nầy. Làm thế nào bà mẹ có thể làm chủ được tình thế mà không cần phải chứng tỏ quyền hành.

Bà mẹ phải không quan tâm về cái hộp đó. Nó thuộc về cô bé. Nếu cô bé không chịu rửa, nó không có hộp đem thức ăn. Bà mẹ chỉ có thể quyết định điều cô bé sẽ làm, chẳng hạn: thức ăn mốc và sữa hôi chắc chắn không có chỗ trong bếp, hoặc bỏ hộp dơ và bình sữa dơ ở đó là một điều không được phép. Nhưng nếu bà ra lệnh và bắt buộc cô bé phải làm là dùng quyền lực và như vậy chỉ đưa vào cuộc chiến tranh giành quyền hành như được thấy rõ: ngày hôm sau, dẫu cho cô bé đã hứa, cô bé lại không chịu làm. Bà mẹ giận dữ vì cô bé đã công khai chống lại bà. Bà cảm thấy uy quyền của bà bị đe dọa và muốn tỏ cho cô bé thấy rằng bà sẽ không để cho cô bé làm chuyện như vậy.

Thật tốt đẹp biết mấy nếu bà mẹ đã cố gắng khám phá ra: cái gì đã làm cho cô bé phản ứng như vậy và nên thay đổi chiến thuật để không còn có sự chống đối của cô bé nữa. Trong trường hợp nầy, cô bé không thích mang hộïp đựng thức ăn trưa vì ít trẻ trong trường mang thức ăn trong hộp. Tại sao cô bé không nói điều đó ngay từ đầu? Cô bé muốn dùng tình cảnh đó đưa bà mẹ dấn thân vào cuộc tranh chấp quyền hành. Và cô bé đã thắng. Bà mẹ đầu hàng.

Nếu có một cuộc nói chuyện thân mật với cô bé thì tình thế có lẽ đã khác hẳn. Cuộc nói chuyện có thể đã giúp bà mẹ hiểu được tâm trạng của cô bé về chiếc hộp đựng thức ăn đó, bấy giờ hai mẹ con có thể cảm thông nhau cách dễ dàng và hy vọng có thể tránh được cuộc chiến tranh không cần thiết đó. Hoặc bà có thể dùng lốùi nói cách dịu dàng hơn để cô bé không cảm thấy mình bị xúc phạm: “Mẹ thấy rằng con đã không chịu sửa soạn chiếc hộp đựng thức ăn đó hôm nay. Mẹ bắt buộc phải nghĩ rằng con không muốn đem thức ăn trong hộp nữa. Con có muốn mẹ bỏ thức ăn vào túi và cho tiền con mua sữa không?” Như vậy, có lẽ đã tránh được một cuộc chiến tranh vô ích. 

Bất cứ khi nào chúng ta ra lệnh một đứa trẻ làm một điều gì hoặc cố gắng bắt nó làm điều gì là chúng ta mời nó làm một cuộc chiến với chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể hướng dẫn con cái chúng ta có một hành vi thích hợp. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta phải tìm một phương cách khác và hữu hiệu hơn. Chúng ta phải bỏ thái độ và phương cách lỗi thời, và dùng phương pháp xem ra có hiệu quả hơn. 

Huy Cường 5 tuổi đang làm mẹ nó điên lên. Bà nói như thế với cậu bé và với những người khác trước mặt nó. Bà mẹ phiền trách nó suốt ngày, còn cậu bé thì chẳng nghĩ ngợi gì, cũng chẳng quan tâm gì. Nếu bà mẹ có phết đít nó, cũng chỉ được một lúc thôi. Chẳng hạn hôm nay, bụng cậu bé không được bình thường, sáng ngày bà dẫn nó vào nhà vệ sinh sau bữa ăn sáng, nhưng nó trở ra nói rằng nó không thể đi vệ sinh lúc nầy, mặc dầu bà mẹ đã cố gắng dạy cho nó nhiều năm rồi. Bà cho nó ra ngoài chơi và bà tiếp tục công việc của bà. Vào khoảng trưa trong lúc dọn dẹp tủ quần áo, bà ngửi thấy mùi thối. Bà lục lọi và khám phá ra rằng cu bé đã bỏ phân trong mũ bố nó. Bà chạy ra ngoài tìm nó, mang nó vào, đặt nó đối diện với chiếc mũ, và đập nó nặng tay. Nó té đái trong quần, và bà nghĩ rằng đó là vì bà đánh nó. Tuy nhiên, suốt ngày nó cứ đái rấm trong quần và đêm đó đái ước cả giường nữa. 

Bà mẹ đã quan tâm về đường tiêu hóa của cậu bé khi cậu còn nhỏ. Bà bảo: “Con cho nó ra khi mẹ bảo như thế”. Nhưng hành động của cậu bé muốn nói: “Con chỉ cho nó ra khi nào con thích”. Từ lâu rồi, cậu bé đã dùng cách nầy như một phương cách để đánh bại bà mẹ đầy uy quyền. Cuộc sống hàng ngày của câu bé và của mẹ nó là một cuộc chiến đấu tranh giành quyền uy. Không dễ cho bà mẹ thay đổi cái quan hệ giữa mẹ và con ngoại trừ bà biết vấn đề nằm ở đâu và bà có thể làm được gì cho vấn đề đó.

Rất nhiều cha mẹ đã tạo nên những khó khăn như thế cho chính họ khi họ tỏ ra quá quan tâm về vấn đề huấn luyện cho con trẻ cách đi vệ sinh. Cái khác biệt giữa quan tâm bình thường và quá quan tâm nằm trong thái độ chúng ta. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh con trẻ cần học thói quen đi vệ sinh thích hợp, chúng ta kêu mời sự kháng cự. Nếu chúng ta mong ước và khuyến khích sự huấn luyên đi vệ sinh thích hợp, chúng ta mời gọi sự cộng tác. Nếu sau một thời gian huấn luyện, đứa trẻ xem ra dùng việc nầy để có sự chú ý không thích hợp hoặc để chống lại sự ép buộc của bố mẹ, tốt hơn là đừng quan tâm chi cả, cứ để kết quả tự nhiên xảy ra. Trong mọi trường hợp như thế, chúng ta đều thấy một cuộc chiến tranh quyền. Chúng ta có thể giải quyết nó trong những lãnh vực khác, ở đó tình thế xem ra thuận lợi cho việc bảo toàn trật tự mà không có chiến tranh. Chẳng hạn khi nó đái dầm hoặc ỉa són, bà mẹ có thể cho phép nó nằm trên giường ướt hoặc thay ra cho nó nếu nó cảm thấy khó chịu. Hoặc là bà có thể mặc cho nó một cái tã và để nó ướt nếu nó đái ra đó. Dĩ nhiên, nó không được phép làm ướt thảm hoặc bộ ghế ở phòng khách. Nó sẽ phải chịu như vậy cho tới khi nào nó sẵn sàng không còn đái dầm nữa. Tất cả điều đó có thể được thực hiện trong một cách thế không chính thức cho thấy “đây là vấn đề của con đó”. Con có thể thay đổi tình thế khi con sẵn sàng. Một khi không còn có sự tranh chấp quyền hành, đứa trẻ sẽ chọn lấy việc bãi bỏ sự bất ổn, nghĩa là không thích đái dầm nữa. 

Ở điểm nầy nhiều người sẽ cảm thấy rối loạn. Rất nhiều lần như những lúc nguy hiểm, chúng ta phải dùng đến sức mạnh. Chúng ta cũng dùng một loại áp lực khi hoàn cảnh cần đến và đôi khi bắt buộc chúng ta phải dùng sức mạnh để bảo vệ trật tự.

lm.levanquang  tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
MỘT EM BÉ NẰM TRONG MÁNG CỎ

 

Trong đêm Giáng Sinh, điều trước tiên người ta không bao giờ quên được là Thiên Chúa đã từ vĩnh cửu đi vào thời gian và thể hiện trong một em bé nằm trong máng cỏ. Thánh Luca viết: “Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rối đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 6-7)

Đó là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, được quấn tã, xem ra không xứng đáng với Chúa Tể càn khôn, tạo dựng trời đất vũ trụ. Thật là một mầu nhiệm đức tin! Ai có thể cắt nghĩa được điều đó? Ai có thể nói cho chúng ta biết tại sao?  

Người điên rồ cho biết lý do: những người khôn ngoan không bao giờ cố cắt nghĩa cho ra lẽ. Tuy nhiên Thánh Gioan là một người khôn ngoan đã cố cắt nghĩa với hết sức mình: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. ” (Gio 3, 16)

Sự ngạc nhiên linh thánh

G. K. Chesterton nắm bắt yếu tố ngạc nhiên trọn vẹn đó trong đêm Giáng Sinh khi ông viết: “Đôi bàn tay đã tạo dựng mặt trời và các tinh tú, trở nên quá bé nhỏ để có thể vói tới những cái đầu to lớn của các súc vật ở trong hang động Bethlehem.” Ai có thể hiểu được điều đó một cách trọn vẹn? Và phải hiểu như thế nào đây? Chúng ta cần phải hiểu rõ điều đó để ngạc nhiên run lên vì vẻ đẹp tuyệt vời! 

Câu chuyện vĩ đại nhất chưa bao giờ được nói hết 

Máng cỏ là dụ ngôn vĩ đại về Lễ Giáng Sinh. Cảnh tượng đơn giản mà máng cỏ tượng trưng không bao giờ ngừng nói cho con tim chúng ta từ bên trong. Chúng ta cần những dụ ngôn như máng cỏ và những câu chuyện như dưới đây đã xảy ra trong một gia đình người Canada sống ở tỉnh bang British Columbia là nơi tôi được đặc ân sống như tại quê nhà qua năm lễ Giáng Sinh.   

Hôm đó là Đêm Vọng Giáng Sinh. Một cặp vợ chồng tranh luận sôi nổi và thấy thật kỳ quặc phi lý về việc Thiên Chúa giáng sinh xuống trần như một trẻ sơ sinh, không nơi nương tựa. Người chồng nhấn mạnh là để được chú ý về mình và gây ấn tượng mạnh mẽ trên trần thế không phải là phong cách của Thiên Chúa.

Khi người chồng đang nói, tức thời có một chấn động mạnh ở ngoài vườn. Anh kéo màn cửa sổ lên và nhìn ra ngoài. Thật ngạc nhiên, anh thấy năm con ngỗng trời, đi chập choạng trên tuyết. Chắc chắn chúng đã rời khỏi đàn ngỗng thiên di.  

Lo lắng để giúp đỡ chúng, anh vội chạy ra ngoài vườn. Nhưng sự xuất hiện của anh đã khiến cho những con ngỗng trởi hoảng sợ hơn nữa. Chúng càng vỗ cánh đen đét, càng lún sâu trong tuyết. Người chồng mở cửa ga-ra và cố lùa chúng vào bên trong. Anh càng cố giúp đỡ, chúng càng hoảng sợ thêm: điều đó rõ ràng gây nguy hại cho chúng.

Trong một giây phút tuyệt vọng, người chồng mong sao trở thành con ngỗng trời để có thể nói cùng một thứ tiếng với chúng: đó là cách duy nhất anh ta có thể cố gắng giúp đỡ chúng mà thôi.

Quyền năng Thiên Chúa   

Nhưng đau buồn thay, người chồng đó không có năng lực tự biến mình thành con ngỗng trời. Tôi không rõ những gì đã xảy ra cho những con ngỗng trời sau đó, nhưng tôi biết ít nhất là trong vài phút vắn vỏi, người chồng đó đã hoàn toàn cảm kích điều kinh ngạc xảy ra trong đêm Giáng Sinh. Đó là điều kinh ngạc về Thiên Chúa nhập thể vào một đêm đông đã lâu lắm rồi ở nơi tỉnh nhỏ Bê-lem.  

Ngài đã dùng quyền năng Thiên Chúa của Ngài để trở nên một người như chúng ta và nói một ngôn ngữ mà loài người ở mọi thời đại, mọi lứa tuổi, thuộc mọi sắc dân, màu da và nếp sống có thể hiểu được. Ngài nói ngôn ngữ tình yêu khi Ngài công bố là Con của Ngài trở nên con người để mọi người – nam cũng như nữ – được trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là Tin Mừng lớn lao! Đó là định mệnh chúng ta! Thiên Chúa đã làm cho cuộc sống chúng ta mang một ý nghĩa tuyệt vời. 

Giờ đây chúng ta là một thành phần mật thiết, không thể tách rời được, nằm trong kế hoạch mà Thiên Chúa muốn làm cho thế giới. Chúng ta tham gia vào vở kịch vĩ đại mà Thiên Chúa đã dàn dựng. Có thể chúng ta không quen với toàn bộ vở kịch đó và không hiểu nhiều về nguyên bản. Có thể chúng ta chỉ đóng một vai trò khiêm tốn, còn khiêm tốn hơn Mẹ Maria và Thánh Giuse, các mục đồng hay ba nhà đạo sĩ. 

Điều quan trọng là chúng ta đã được chọn lựa để trở thành diễn viên trong Vở Kịch Lớn Lao của Thiên Chúa. Và giờ đây chúng ta chỉ cần đóng vai trò của chúng ta càng tuyệt vời bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tất cả những điều đó chỉ có ý nghĩa đối với những ai có đôi mắt tinh tế để nhận thấy họ đang tham gia vào một kế hoạch lớn lao hơn so với thân phận làm người của họ rất nhiều.

Bức tranh vĩ đại  

Từ ngữ “tai họa” (“disaster”) là một từ ngữ thật hấp dẫn. Từ ngữ đó phát xuất từ tiếng La-tinh, có nghĩa là “bị phân cách khỏi các vì tinh tú” (disconnected from the stars). Theo Thánh kinh và có tính cách thi phú, những tinh tú biểu hiệu cho một câu chuyện vĩ đại, câu chuyện về vũ trụ, về sáng thế.  

Thi sĩ William Stafford đã cảnh cáo chúng ta bằng một câu khá mạnh mẽ về việc chạy theo một Thiên Chúa sai lầm: “Vì chạy theo một Thiên Chúa giả hiệu, do đó chúng ta đã đánh mất những vì sao của chúng ta.” Điều đó có nghĩa là chúng ta bị phân cách khỏi câu chuyện vĩ đại mà chúng ta phải tham gia và khi chúng ta bị phân cách như thế, chúng ta đánh mất đất đứng của mình, đánh mất dòng mạch, tình tiết của cốt truyện và đối diện với một đại họa.

Ngược lại, bao lâu chúng ta biết câu chuyện nhỏ bé của chúng ta như được sinh ra, cắp sách đến trường, tốt nghiệp và kiếm được việc làm, si tình rồi đi đến kết hôn, sinh con đẻ cái và sau cùng sẽ chết đi…đều được đan kết với một câu chuyện lớn lao hơn thì chúng ta đã có căn bản và nền tảng vững chắc để sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.  

Tất cả nền tâm lý học và tâm lý trị liệu trên thế gian nầy không thể cho chúng ta một tầm nhìn về vũ trụ học đó. Viễn kiến đó và tầm nhìn về vũ trụ đó đến từ tôn giáo. Nếu bạn nghi ngờ tôi, mời bạn nhìn vào máng cỏ và bạn sẽ thấy, dưới biểu tượng dụ ngôn, sự liên kết của bạn vào một câu chuyện vĩ đại.

Điều chúng ta thấy đang xảy ra trong thế giới Tây phương mà chưa bao giờ xảy ra trước đó trong lịch sử loài người là sự phân cách giữa những câu chuyện nhỏ bé của chúng ta với câu chuyện vĩ đại kia. Khi chúng ta không tin tưởng câu chuyện vĩ đại đó, thì sự liên hệ gắn bó của chúng ta đã bị cắt đứt.  

Có thể lúc ban đầu chúng ta không nhận chân điều đó vì chúng ta bị tách rời khỏi câu chuyện vĩ đại đó trong chốc lát. Có thể chúng ta thành công trong cuộc sống và điều đó cũng tốt thôi. Và cuộc sống chúng ta được thích thú thì cũng tốt nữa. Nhưng nếu vào một lúc nào đó và ở một nơi nào đó, chúng ta bị phân cách khỏi câu chuyện vĩ đại kia, chúng ta có nguy cơ sẽ kết thúc trong sự vô nghĩa.

Những người hạnh phúc 

Những người hạnh phúc thật thông thường là những người tin tưởng một đôi điều và đặt căn bản đời mình trên những chân lý đó. Niềm tin của họ thật cụ thể và vững chắc. Họ không dao động ngả nghiêng theo những cuộc thăm dò dư luận, theo thời trang hay lề thói phong hóa. 

Tôi đã gặp một chàng thanh niên ở Waterfond, Ái-nhĩ-lan. Anh đã hỏi dồn tôi một số câu hỏi thuộc nhiều lãnh vực. Anh muốn xây đắp cuộc đời mình trên một điều gì vững chắc, như mọi người khác. Tôi nói với anh: “Xem đây, tôi không thể trả lời hết mọi câu hỏi của anh. Nhưng tôi sẽ nói những gì tôi có thể biết: Thiên Chúa thiện hảo, vì vậy những tạo vật của Ngài thiện hảo và thế giới cũng thiện hảo.”  

Đó là những điều xác thực tôi có thể trả lời cho anh ấy và tôi tin tưởng điều đó là đúng, vì đó là những điều xác thực mà tôi muốn đặt cơ sở đời sống của tôi trên đó. Đó là những chân lý nối kết tôi với câu chuyện Giáng Sinh, với Thiên Chúa bằng xương bằng thịt: một Thiên Chúa đang quan tâm đến vũ trụ cùng nhân sinh và chăm nom một cách say đắm tạo vật của Ngài, cho dù cuộc sống con người đôi khi thật phức tạp, khó khăn và gây nhiều rối rắm. 

Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta 

Một khi chúng ta tín nhiệm Thiên Chúa một cách trọn vẹn, chúng ta không cần lo lắng phải giật dây hay nhấn nút cho đúng cách, bởi vì chúng ta biết rằng tất cả không tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta đều biết Chúa Giêsu đã chọn lựa sống trên trần thế nầy và trần gian là thế giới Ngài lựa chọn.  

Chúng ta biết giá trị của Ngài không chỉ nêu gương hoàn thiện và để mặc chúng ta theo gương đó, hoặc chỉ mạc khải chân lý về Thiên Chúa và để mặc chúng ta sống chân lý đó. Giá trị đích thực của Thiên Chúa là Ngài sống trong chúng ta. Ngài là Emmanuel” – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở trong chúng ta.

Vậy thì Giáng Sinh mang lại sự khác biệt nào? Giáng Sinh mang lại sự khác biệt nầy là liên kết câu chuyện nhỏ bé của chúng ta với câu chuyện vĩ đại của Chúa. Và như thế Chúa Giêsu mang lại sự khác biệt cho hết mọi người trên trần thế, nếu chúng ta để cho Ngài hành động trong chúng ta!

Linh Mục Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

VỀ MỤC LỤC
Lời Chúc hay Lời Nguyện

 

Mấy tuần không đọc email, hôm nay vừa mở ra tôi lại bị ngay một ông bạn già ‘sửa lưng’. Khổ quá. Bạn già của tôi viết cho cả group trên dưới 50 đứa bạn của tôi thế này: cac bác mỗi người đọc cho cho bac D. một kinh. Bác ấy đang mắc chứng bênh trầm trọng, đó là bệnh ‘cấm khẩu’.  Thế đấy, bạn bè chơi giỡn chọc phá nhau, có lúc mích lòng nhau, nhưng rồi vắng nhau mấy ngày đã thấy nhớ nhau. Hồi còn mài quần ở bậc trung học cũng vậy mà khi đã vào tuổi bồng bế cháu nội cháu ngoại rồi cũng thế. 

Bạn già của tôi đã dùng lời kinh nguyện để khích bác sự ‘im lặng là vàng’ của tôi  trong mùa vọng Giáng Sinh.  Chẳng biết bạn của tôi đã đọc cho tôi Kinh Khổ hay Kinh Sướng, kinh Từ Tròi Cao hay kinh Từ Vực Sâu? Chắc là kinh … ‘chuởi xéo’.

Tôi nhớ lại hồi học đệ Tứ đệ Ngũ trong chủng viện, mỗi lần phải viết thư cho cha bố là một lần tôi khổ sở. Tuổi ham chơi, tôi có vấn đề gì để bàn hỏi đâu, linh hồn tôi mới nẩy mầm thì tâm tình đâu mà viết. Cố gắng viết chữ to và viết thưa thì tôi cũng chỉ được một trang pơ-lua là cùng. Và thư nào thì hình như cũng tựa tựa như nhau. Đại khái là cảm tạ Chúa, cám ơn cha, con vẫn khỏe (mặc dù có khi viết thư trong phòng bệnh), học lực của con tháng này được trung bình, hạnh kiểm cũng gần trung bình… và luôn kết thư bằng một câu rất thuộc lòng ‘xin cha thêm lời cầu nguyện cho con được trung thành với ơn gọi’. Thật ra đây cũng chính là câu mà cha bố đã dặn bảo trước khi tôi vào chủng viện. Lạy Chúa tôi, viết cho có, cho đẹp, cho đầy trang thư thôi chứ làm gì tôi có ý tốt lành 100%  xin Ngài cầu nguyện cho được ở trong nhà Chúa suốt đời đâu.(Hèn chi. C’est ca!!!). 

Thế ra tôi đã dùng lời cầu nguyện để trang trí cho một bức thư. 

Nghĩ lại tôi thấy mình có phần giả dối nên bây giờ bước vào tuổi U50, tôi bắt đầu ý thức nhiều hơn mỗi khi xin người khác cầu nguyện và nhất là khi hứa cầu nguyện cho người khác.  

Nói đến cầu nguyện, tôi nhớ bài giảng của cha xứ trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vừa qua. Ngài nói về sự kiện và lịch sử Đức Mẹ Lộ Đức. Tại sao có Lộ Đức và những gì đã xảy ra ở Lộ Đức, rồi Ngài kể câu truyện: 

Sáng nay con mới đi làm lễ an táng cho anh Phanxicô Nguyễn văn V. vừa qua đời lúc 30 tuổi. Anh V. sang Mỹ một mình, không có cha mẹ thân nhân bà con gì cả. Anh đi bụi đời rồi nhập băng đảng đi cướp ngân hàng, rồi bị bắt và lãnh án tù chung thân. Sống trong tù không ai thăm viếng nên rất cô đơn. Mới đay anh bị bệnh ung thu phổi và được chuyển về bệnh viện Anaheim Memorial Hospital gần nhà thờ của chúng ta. Thấy anh cô đơn, bệnh tật đáng thương, một cô y tá người Phi đã điện thoại cho con khi biết anh là người Việt Nam. Con đến thăm anh lần đầu anh không muốn gựap. Con trở về và cầu nguyện rồi trở lại lần thứ hai, anh cũng không nói truyện nhiều, con chỉ tặng anh một chuỗi tràng hạt dù chẳng biết anh có đạo hay không. Lần thứ ba anh nói truyện nhiều và con dậy anh cầu nguyện với Đức Mẹ: Xin Đức Mẹ cứu con trong giờ lâm tử. Chỉ đơn sơ thế thôi. Và sau cùng anh đã trở lại và chết bình an. Con tin chắc Chúa và Đưc Mẹ đã thương cứu anh….”.

Câu truyện sống thực và rất thương tâm, đồng thời cũng là tấm gương cầu nguyện của hai người trẻ tuổi. Cha xứ trẻ và anh tù nhân trẻ. 

Cha xứ nhấn mạnh điểm Cầu Nguyện cùng Đức Mẹ cứu giúp trong giờ lâm tử, nhưng tôi thấy một điều mà cha xứ không ‘dậy bảo’: đó là mánh khóe cầu nguyện. Tôi mạo muội gọi là mánh khóe vì nếu gọi là nghệ thuật thì quá cao siêu tôi không dám bàn mà gọi là mánh mung thì lại thấp hèn với sự cầu nguyện. 

Tôi không biết anh tù nhân trẻ đã cầu nguyện thế  nảo, nhưng tôi thấy cha xứ đã kết hợp lời cầu nguyện với hành động. Nếu cha chỉ đến thăm anh tù  mà không cầu nguyện thì chưa chắc đã work, mà nếu cha chỉ đi đi lại lại trong khuôn viên nhà thờ lâm râm lần chuỗi mà không hy sinh trận football của đội Patriots England và Colts Indiannapolis để đén thăm anh tù thì cũng chưa chắc đã work.

Nhìn lại Tin Mừng tôi thấy Chúa Giêsu là người Do Thái, nhưng tâm lý lại khá giống dân Việt Nam của tôi:

“Hòn đất ném đi hòn chì ném lại” 

Hoặc

“Bánh đa ra đi bành qui trở lại” 

Tôi thấy trong cầu nguyện nhất là cầu xin một ơn cụ thể, thường thì Chúa cũng thích có một ‘phong bì’ đi trước. Đây là tâm lý xã giao chứ không phải hối lộ kiều thế gian vì trong xã giao thì người nhận phong bì cho lại và luôn cho nhiều hơn, còn trong hối lộ thì người nhận cất giữ phong bì và muốn nhận nhiều hơn.

Biết tâm lý con trai của mình nên trong tiệc cưới Canaan, khi thấy chủ nhà hết rượu, Đức Mẹ đã vội vàng dặn gia nhân ‘lấy nước đổ đày các bình’. Đức Mẹ biết Chúa thích bắt đầu phép lạ từ những công việc của con người, Chúa thich cho con người cộng tác phần nhỏ trong công trình lớn của Ngài. Tôi thấy 3 điều kiện để Chúa làm phép lạ này là: 1) Chủ tiệc thực sự hết rượu 2) Ông bối rối và xin Chúa cho thêm 3) Múc nước đổ đầy các bình. Thiếu một trong 3 điều kiện chắc Chúa không làm phép lạ được. 

Chúa là người Do Thái nhưng rất thuộc thành ngữ Việt Nam : Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên. Không đội mũ an toàn mà chạy xe ngược chiều thì khi tai nạn Chúa co muôn làm phép lạ cũng không kịp. Cầu xin được sức khỏe mà cứ nằm ôm TV ăn snacks hoặc muốn xây sửa nhà thờ mà không góp tài chánh, không gây quĩ thì chắc Chúa cũng cho vào trong waiting list cho hợp tình hợp lý.

Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng thế. Dân Do Thái thì giầu có hoặc ít nhất cũng không nghèo vì họ sống trên miền đất chảy sữa và mật, nhưng có lẽ không rộng rãi …bằng … người Việt. Nghe Chúa giảng, một là họ say mê quên ăn quên uống hai là họ giấu kỹ đồ ăn, sợ lấy ra sẽ bị người khác xin. Tôi không biết suy đoán thế đúng hay sai, nhưng khi Chúa hỏi các em: Có gì ăn không? Thì một em đã cho Chúa 1 bánh và 2 con cá. Thế là từ cái Filet O’fish của em bé quảng đại này Chúa đã thay dổi tất cả lòng người.  Ai cũng lấy tất cả thức ăn của mình ra để chia sẻ, rất hồ hởi và quảng đại nên ăn xong vẫn còn dư là phải. Có lẽ đây là phép lạ dễ nhất mà Chúa đã làm: chỉ cần vận dụng lòng người. Thôi thì dễ hay khó điều chính vẫn là Chúa làm phép lạ từ những gì con người bắt đầu trước. 

Gần lễ Giáng Sinh, tôi không có thói quen gởi thiệp, chỉ gọi điên thoại thăm những người thân khi có giờ

-  Anh điện thoại về thăm em và Saigon .

-  Cám ơn anh. Saigon thì mối ngày mỗi mới và đẹp, chỉ lụt khi mưa lớn. Còn em thì ngược lạị.

-  Anh thấy bề mặt Saigon mới và đẹp, nhưng lòng đất Saigon thĩ cũ hơn và bị động nhiều hơn. Em thì ngược lại.

-  Anh khéo nói. Giáng Sinh sắp về anh có gì vui không?

-  Còn 8 ngày nữa mới Lễ Giáng Sinh nên anh chưa biết. Hi hi!!!Nói truyện với em đây là niềm vui rồi. Anh cứ cộng lại và nhân lên những niềm vui nho sẽ có niềm vui lớn.

-  Anh lại vừa uống nước mía hay ăn chè mà ngọt thế?

-  Không, anh mới ăn một miềng cake trong dịp ra mắt sách Thao Thức của Đức Cha Bùi Tuần ở nhà thờ Saint Callictus. Em có gì lạ?

-  Em với chị H. mới ra thăm mo anh B hôm nay.

-  Ừ, năm măm rồi ha?

-  Tháng tới là tám năm chứ anh. Thời gian qua nhanh hơn mình tưởng. Sống trong hạnh phúc thì thời giờ qua nhanh, nhưng trong cô đơn thời gian cung không chậm lại.

-  Cảm quan miền sơn cước thật hay. Thằng cu K thế nào rồi?
Nó cũng ngoan, nhưng ít nói. Đang xin mẹ sang Tầu học tiếng Tầu đẻ làm business

- Cứ để nó đi xem sao. Coi bộ nó có chí lắm.

-  Thấy nó còn dại em lo quá, nhưng chắc em để nó đi. Em có một mình nó là con trai nên tất cả tình thương em dành cho nó. Em lo và thương nó lắm nên đang làm một cuộc đánh đổi với Chúa, đánh đổi cuộc đời còn lại của em và tương lai của thằng cu K.

-  Khâm phục em. Không biết nói gì hơn, anh chỉ thấy một điều là trong cuộc đánh đổi này chắc em sẽ thắng và cầu cho Chua thua. Anh thấy những người mẹ hy sinh cho con thường thắng, nếu không thắng thì cũng huề. Mà em có backup plan không?

- Có một người đàn ông mới bên cạnh có thể hạnh phúc lắm. Có người sửa cái bức tường, cái mái nhà, cái tủ kính cũng an tâm lắm chứ anh, nhưng thôi, em không có backup plan đâu… 

“Em đánh đổi cuộc đời còn lại của em với Chúa cho thằng cu K nên người tốt”. Trong khâu làm ăn này, Chúa được một phong bì khá to: cuộc đời còn lại của một góa phụ xinh đẹp. Đừng nghĩ tôi cải lương bịa ra điều này. Tôi biết người nói truyên với tôi nói thật chứ không phải nói để trang trĩ cho câu truyện giữa tôi và nàng hay tô điểm cho phần đời con lai của nàng. 

Nghe người góa phụ chia sẻ tâm tư, tôi như vừa bước ra khỏi phòng huấn đức của chủng viện mấy chục năm về trước. Dĩ nhiên vừa bước đi vừa nhìn lại cuộc đời của chính tôi.

“Em đánh đổi cuộc đời còn lại của em với Chúa cho thằng cu K nên người tốt”. Thế là phong bì đã nằm trên bàn, nước đã được đổ đầy binh, và bánh với cá đã nằm tên mâm cơm. Chắc Chúa sẽ làm công việc còn lại.

Năm hết Tết đén, Đông qua Xuân về, mong cho những lời cầu chúc đầu xuân cũng là nhung lời cầu nguyện thì đẹp biết bao.

Và lời cầu nguyện có kềm theo một phong bì: phong bì hy sinh và phong bì thiện tâm thì hiệu quả biết mấy. 

Lạy Chúa con viết lời chia sẻ này để cầu nguyện cho những người con muốn gởi Lời Chúc Giáng Sinh và Năm Mới. Xin cho tất cả luôn được hồn an xác mạnh. Amen.

J. Vu    12/18/2007

VỀ MỤC LỤC
”Lạy Cha, con muốn sinh ra những đứa con” 

 

Nguyên tác: ”Lettres d’amour aux prêtres” –  “Thư tình gửi các Linh mục”

của Catherine DE HUECK DOHERTY

Người chuyển ngữ, Đình Chẩn.

 

CHƯƠNG VI 

”Lạy Cha, con muốn sinh ra những đứa con” 

Con đã nói nhiều về Đức khiết tịnh, thế nhưng chủ đề này cách nào đó chẳng để cho con được yên. Con đã nhận được một lá thư của một nam tu sĩ, trong thư đó, thầy ấy xin con bày tỏ quan điểm về “Đức khiết tịnh của Thiên chức Linh mục” để giúp  các chủng sinh và những người dự tu. Thật vậy, họ đã đặt câu hỏi cho những người phụ nữ để bày tỏ ý kiến về vấn đề đang còn tốn nhiều giấy mực bấy lâu nay!

Con thú thật, khi nhận được lá thư này con đã suy niệm rất lâu. Đó là một vấn đề mà người ta phải suy nghĩ chín chắn, trước tiên là để lấy can đảm và để trả lời cho câu hỏi dù thế nào đi nữa. 

Trong khi suy nghĩ về vấn đề đó, con dần nhận ra rõ hơn nguyên nhân tại sao cộng đồng các Linh mục này cũng như một số khác lại xin con viết về vấn đề này. Chẳng phải con đã kết hôn hai lần đó sao?  Con không phải là người Nga sao, và như vậy, con thường thấy các Linh mục ở đất nước này kết hôn đó sao?  Thực vậy, ở nước Nga, Bun-ga-ri, rồi Sec-bi-a, tất cả các Linh mục coi xứ đều có vợ hoặc ở goá. Ở đây, họ phải xây dựng gia đình trước khi trở thành Linh mục; Trong những năm học chủng viện, họ được phép đi tìm cho mình người bạn đời. Sau đó, họ sẽ được phong chức Linh mục. Nếu người vợ của họ qua đời, họ không được phép đi bước nữa. Đó là những điều luật của Giáo Hội Chính Thống Nga. Mẹ của con, một tín hữu Chính Thống Nga, không thể hiểu được rằng Linh mục triều mà không kết hôn. Bà quan niệm chỉ có các Linh mục dòng mới xứng đáng đặc ân ấy. Chính vì vậy mà con bị mâu thuẫn giữa hai cách nhìn. 

Sau đó, con nhớ lại trường hợp của con, hay đúng hơn phải nói : trường hợp của chúng con ( giữa con và người chồng quá cố Eddie  Doherty). Theo con, đây có lẽ là trường hợp duy nhất trên lục địa Bắc Mỹ và có thể trên thế giới nữa. Thực vậy, Eddie và con cả hai đã giữ khiết tịnh trong suốt những năm 50 vì luật riêng của Hội Tông đồ Madonna chúng con đòi hỏi, thông qua sự nhất trí của tất cả các thành viên nguyện hiến dâng trọn cuộc đời mình bằng việc thực hiện ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. 

Sau khi đã sống giữ mình khiết tịnh những năm tháng đó, Eddie và con đã khám phá ra rằng tình yêu lứa đôi của chúng con đã lớn mạnh đến mức không thể tin được; Chúng con đã kết hiệp với nhau một cách sâu sắc và trọn vẹn đến mức khó tin, chúng con đã nên một trong Chúa Kitô, nên một trong tình yêu thương ngay từ thẳm sâu của tâm hồn chúng con.

Chính vì vậy, khi chúng con xa cách nhau, thì sự kiêng giữ đã làm cho chúng con gần nhau hơn, hơn mức cả hai người tưởng tượng giống nhau!

Thế nên, con nghĩ rằng vị Linh mục tương lai tốt lành kia hoàn toàn có lý do chính đáng khi viết thư để tham khảo ý kiến của con( vì con chỉ có thể đưa ra ý kiến của mình thôi). 

Con thú nhận rằng con cảm thấy e sợ hay khá căng thẳng  khi đề cập đến vấn đề này. Với cái nhìn của người Bắc Mỹ, sự khiết tịnh thường liên hệ đến vấn đề giới tính. Tuy nhiên, sự khiết tịnh không chỉ có thể hiểu như thế. 

Đức khiết tịnh xuất phát từ Đức Mến. Đó là sự “ trong sạch của tâm hồn” của người sẽ “ nhìn thấy Thiên Chúa”. Họ sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa không chỉ ở trên Thiên Đàng mà ngay ở dưới trần gian này. 

Đức khiết tịnh là một đặc ân ban cho phép con  người ở lại trong sự bình an của tâm hồn qua trật tự do Thiên Chúa sắp đặt. Đức khiết tịnh là dấu chỉ nhận ra người có sự kết hiệp mật thiết  với chính Chúa Kitô. Chúa Kitô đã đồng trinh nhưng điều đó không ngăn cản Chúa yêu thương mọi người với một tình yêu bao la, cũng không ngăn cản Chúa có mối quan hệ mật thiết với một số người, như Thánh Gioan-môn đệ Chúa yêu, hay chị Maria Madalena và nhiều người khác nữa.

Chúng ta phải đặt vấn đề này trong bối cảnh yêu thương. Thí dụ : con có thể hình dung ra rất rõ một nhóm các chủng sinh, nhất là vào những ngày trước khi chịu chức Linh mục, trao đổi với nhau về hôn nhân gia đình hay đơn giản chỉ là nghĩ đến đó thôi. 

Đó là giây phút tối quan trọng để đưa ra quyết định. Lúc đó, có thể họ sẽ  hình dung ra một người phụ nữ xa lạ nào đó sẽ  là người vợ của họ. Như Kinh Thánh đã nói, họ cảm thấy trong lòng rộn ràng lên tình yêu cuộc sống, một tình yêu hết sức thiêng liêng dẫn họ đến cái nhìn thật xác thực về những đứa con mà họ có thể sẽ có: Con trai kháu khỉnh, đứa con gái duyên dáng. Rất có thể bàn tay họ sẽ bị đốt cháy bởi những ước muốn được ôm những đứa con ấy vào lòng, những đứa con chưa bao giờ họ sinh ra. Vâng, con có thể dễ dàng hình dung ra những ý nghĩ như thế trong đầu những người trẻ trước khi lãnh nhận Thiên chức Linh mục. 

Nhưng khi đứng trước bối cảnh cụ thể của Thiên chức, trong trạng thái trọn vẹn và trong ân sủng tràn đầy, có thể họ sẽ có những suy tư khác không như những điều con vừa nói trên, nhưng những điều con nói cũng chẳng có gì lạ cả mà hết sức tự nhiên. Họ sẽ nghĩ rằng “ Thiên Chúa cần đến những người giúp Ngài để  tìm và đưa về cho Chúa những ai cần đến Chúa”.

Thực vậy, đó chính là điều cốt yếu của Thiên Chức Linh mục. Bởi vì trong sứ vụ cao đẹp này, họ sẽ được chiêm ngưỡng phép lạ của một  vị Thiên Chúa cần đến các Linh mục, như người liệt cần đến chiếc nạng vậy! Thật là một sự so sánh không thể tưởng tượng được. Ấy vậy mà thực sự là như vậy! Quả vậy, thế giới tâm hồn của một số những linh hồn cũng chai lỳ như những đá tảng vậy. Vai trò mầu nhiệm và khó tin được là đây: Một người phải dâng cho Thiên Chúa đôi mắt, hai bàn tay, đôi chân và trọn cả con người ấy để qua con người ấy Thiên Chúa  chinh phục được những người khác.

Vậy, tại  sao phải nói đến sự hy sinh, sự từ bỏ, nhất là từ bỏ tư cách làm bố? Một Linh mục thực sự có thể trả lời cho vấn nạn đó. Đột nhiên con lại  chợt nhớ ra một vài câu thơ của một Linh mục viết:

Lạy Cha là Chúa Trời con,

Con muốn làm sinh sôi nảy nở,

Cho dân riêng của Cha.

Con muốn sinh ra những đứa con,

Cho vương quốc của Cha,

Ngay trên dương gian này và ở trên Trời.

Con muốn vương quốc của Cha,

Đầy những đứa con ,

Do tay con rửa tội, tha thứ và nuôi dưỡng chúng.

Khi đó con được chiêm ngưỡng nhan thánh Cha,

Nơi những đứa con, đứa cháu và chắt của con…

Điều này làm con nghĩ đến hôn nhân gia đình là sự rút ngắn để đạt được những mục đích của chính mình. Có thể có hoặc không. Mặt khác, nếu người ta tìm đến hôn nhân chỉ để thực thi, nói cách khác, để thoả mãn những nhu cầu tâm lý tình cảm, thì câu trả lời đã rõ: Thật là sai lầm tai hại cho những ai, dù là thường dân hay là Linh mục, nếu họ kết hôn chỉ vì mục đích ấy! 

Ơn gọi hôn nhân cũng đòi hỏi suy nghĩ chín chắn, chín chắn về cảm xúc để không tìm tư lợi cho riêng mình mà đòi hỏi phải cho đi ( cho đi và tìm hạnh phúc cho người mình yêu). Đó là ơn gọi hôn nhân.

Con cảm thấy không mấy hứng thú khi đọc đi đọc lại hàng trang sách nói về sự độc thân, đức khiết tịnh cũng như những lời bàn luận cổ võ cho việc kết hôn của các Linh mục. Cha có nghĩ rằng tiến đến hôn nhân gia đình thực sự là giải pháp cho vấn đề của mình chăng?  Nếu quả như vậy, thì cha mới biết rất ít về hôn nhân. Cha cần phải nhìn nhận tất cả vấn đề mà mỗi cặp vợ chồng phải đối mặt. 

Các Linh mục Chính Thống Nga đã và vẫn còn là những người có gia đình riêng. Phần lớn các Linh mục theo nghi lễ Đông Phương cũng vậy. Có lẽ sẽ rất thú vị khi làm cuộc điều tra xã hội học về tất cả các Linh mục theo nghi lễ Đông Phương để biết được có bao nhiêu trong số họ thích được độc thân. Phần con, con không biết rõ lắm. Hay là làm cuộc khảo sát đối với các Linh mục Anh Giáo đã kết hôn chắc cũng không kém phần thú vị. 

Hôn nhân và độc thân trong Kitô Giáo, nhất là trong Giáo Hội Công Giáo là một vấn đề kỷ luật. Các quy định có thể luôn được thay đổi. Nhưng không thể thay đổi do khủng hoảng, cũng không do những cảm xúc nhất thời hay do những dư luận chống phá hoặc điều kiện chưa chín muồi.

Chúa Kitô đã nâng Đức khiết tịnh và sự độc thân lên bậc đáng kính. Đó là những dấu chỉ thiêng liêng sâu sắc mà thế giới say đắm nhục dục này cần phải tôn trọng không chỉ là ngoài môi miệng mà từ trong tâm hồn. 

Rất rõ rằng trong khi giới giáo sĩ Công Giáo đang chịu dằn vặt vì những khó khăn và vì những cuộc tranh luận thì dân ngoại vẫn tiếp tục tôn trọng yêu mến và bắt chước những người hiến dâng trọn vẹn sống khiết tịnh nơi hàng ngàn Tu sĩ Ấn Độ Ashrams và trong các nước Á châu.

Thiên Chúa, Chủ thể của lịch sử, đã chuẩn bị con đường khiết tịnh từ xa xưa trước khi sai Con Một của Chúa đến cứu độ chúng ta. Sự khiết tịnh đã được hiểu rất rõ trước khi Chúa Giêsu xuống trần. Những người Hi lạp và La Mã, những bậc tiền bối của nền văn minh Tây phương, biết rất rõ ý nghĩa sự trinh khiết của các Thần họ thờ.

Sự trinh khiết luôn luôn hiện diện trong suốt hành trình nội tâm lạ lùng mà con người cần phải giữ lấy để gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong chính tâm hồn con người. Và khi thực hiện được như vậy, Đức khiết tịnh sẽ là ánh sáng dẫn đường cho Linh mục và sẽ chỉ cho Linh mục thấy tất cả những con đường ngắn gọn dẫn đến Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người, một tình yêu tự do, thoát ra khỏi những quyến luyến không thuộc Thánh ý của Đấng là Tình Yêu.

Khi đó linh hồn của những Linh mục ấy sẽ bay  vút  lên tới đỉnh cao của Tình Yêu và Sự Thật, các ngài sẽ xây dựng vương quốc Chúa Kitô ngay trên trần gian này.

Con biết có một chàng thanh niên, một hôm ghé chiếc ghế đến gần con và cố gắng nói với con có vẻ hơi bối rối rằng anh ta sẽ vào chủng viện trong vài tuần tới. Một lần nữa, dường như trái tim con ngừng đập bởi con cảm nhận được niềm vui hồ hởi lạ lùng tràn ngập trong lòng khi con nghe kể về câu chuyện tình tuyệt vời nhất đã xảy ra trên trái đất này với giọng nói rụt rè và do dự : Câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Câu chuyện ấy diễn ra khi Thiên Chúa các đạo binh cúi xuống đón lấy một trái tim trong vòng tay rồi nâng cao lên, cho đến khi đạt tới đỉnh cao vô tận của đồi Can- vê và ôi cây Thánh Giá đã trở nên phép lạ của những phép lạ! Một Chúa Kitô khác! 

Vâng, người thanh niên trẻ kia đã ngồi sát mép ghế và đã cố gắng nói với con một cách rụt rè và còn do dự quyết định vào chủng viện và con lại nghĩ : Đã có 31 thanh niên trẻ thuộc Tu hội chúng con ra đi theo tiếng gọi của Tình yêu, để bước lên ba bậc nhỏ của bàn thờ, làm một người bình thường, một Linh mục của Chúa. 

Khi đó con nhớ lại tất cả những người đã nói chuyện với con, dù không ở lâu trong Tu hội của chúng con hay ở nơi khác. Họ đến với con đơn giản chỉ để chia sẻ niềm vui dạt dào trong lòng họ.

Thế là thêm một người nữa! Chẳng có gì ngạc nhiên khi trái tim con ngừng đập trong chốc lát vì vui mừng và con nhẹ nhàng cất lên câu hát “ Alleluia” khúc hát chỉ có một từ có lẽ là duy nhất có thể diễn tả được niềm vui vô bờ bến của con tim đối với Thiên Chúa tốt lành.

Một lần nữa, con lại cảm nhận được mối rung cảm tuyệt vời của Tình yêu Thiên chức Linh mục ngập tràn tâm hồn con vì con yêu mến Thiên chức Linh mục và  các ngài biết bao, một tình yêu dạt dào vô bờ bến. Chuỗi ngày sống của con luôn đầy ắp những lời cầu nguyện  cho các ngài, nhưng có lẽ con phải nói rõ hơn rằng con chỉ cầu nguyện cho tất cả các Linh mục với một lời cầu nguyện duy nhất: Trong giờ lâm tử các ngài có thể nói chân thành như thánh Phaolô:” Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Trong khi người thanh niên trẻ kia đang chuẩn bị hành trang bước vào chủng viện thì con đã mường tượng ra con đường dài, rất dài mà người ấy phải đi qua trước khi đến ngày trọng đại: Ngày người thanh niên kia được thụ phong Linh mục. 

Con nghĩ đến tất cả những cám dỗ, đến sự vỡ mộng đến những nghi ngờ sẽ đeo bám người thanh niên ấy vào trong bức tường Tu viện và đôi khi người thanh niên ấy bị ám ảnh. Trái tim con ái ngại cho người ấy biết bao ! Con biết rất rõ rằng con người Linh mục trong tương lai ấy phụ thuộc rất nhiều vào con người chủng sinh hôm nay.  

Hành trình tiến đến đỉnh trời yêu thương của người thanh niên trẻ kia phải bắt đầu  ngay bây giờ, ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Chủng viện. Bởi đó là một ân huệ lớn lao mà người đó lãnh nhận. Được gọi tiến lên chức Linh mục luôn luôn là một ân huệ, nhưng vào thời nay, đặc ân đó phải lớn gấp hai : Thực vậy, ơn gọi này, ngày nay bao gồm cả sự tử đạo, đau đớn về thể xác- nỗi thống khổ thuần tuý. Để đáp lại tiếng Chúa gọi cần phải có một tình yêu mến nồng nàn và sự chuẩn bị  tinh thần kỹ lưỡng và thời gian cho việc đó thì quá vắn vỏi. Chính vì vậy, hành trình tiến đến đỉnh trời yêu thương cần phải được thực hiện ngay không được chậm trễ. 

Người bạn thanh niên trẻ mến yêu của con có hiểu được điều đó chăng ? Liệu cậu ấy có biết rằng Chúa Kitô đã sai chính cậu đến thế gian và sống ở đó đúng như Chúa đã sống, thậm chí còn khổ hơn thế nữa ? 

Người bạn trẻ của con sẽ phải đến với dân ngoại những người đã nghe Lời nhưng đã bỏ ngoài tai ! Hơn nữa, cậu sẽ phải đối diện với những con người đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, những người đó không chỉ khước từ niềm tin vào Thiên Chúa Duy nhất Ba Ngôi mà còn tìm cách chống phá Thiên Chúa trong tâm hồn những người đồng loại của họ bằng cách chạy theo thứ chủ nghĩa Vô thần  với quan điểm không tôn giáo của nó, với các môn đồ và những kẻ tử đạo của Ác Thần. 

Người bạn thanh niên trẻ tuổi kia sẽ phải đối mặt với sự lạnh nhạt, thờ ơ, sự tự phụ, sự tục hoá và vật chất hoá của các tín hữu, những người đã bị con virút xa lạ gây nhiễm và đang bị hoành hành. Tất cả những điều đó gợi lên một thảm kịch của những trái bom huỷ diệt  hết thảy. Thực vậy, người thanh niên trẻ được chỉ rõ đến chính đỉnh trời của ơn gọi thánh thiêng của thiên chức Linh mục vì đã được gọi sống đến tận cùng, sống cân bằng trong một thế giới đang trên bờ vực thẳm đen tối nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại. 

Chỉ có một giải pháp duy nhất cho những thử thách trên là : Người chủng sinh phải học ở Chủng viện không chỉ để trở thành Linh mục mà phải nên thánh, thậm chí nên giống chính Chúa Kitô ! Chủng sinh cũng cần nhớ rằng mình được lãnh nhận chức Linh mục là để cho Thế gian. Nếu không có chiên, cần chi đến chủ chăn ? Thế nên, ngay từ giây phút bước chân vào Chủng viện, người theo Chúa bắt đầu chết đi chính mình một cách trọn vẹn, để luôn sẵn sàng từ bỏ thời gian, sức khoẻ và mạng sống của mình cho những người mà một ngày kia ta dẫn đưa họ về với Chúa. 

Trong khi người thanh niên kia đang chuẩn bị hành lý, con muốn gợi ý người bạn ấy mang theo mình ít nhất có thể, để cho ba người bạn : KHÓ NGHÈO, VÂNG PHỤC, VÀ KHIẾT TỊNH được song hành theo. Đó là những người bạn đòi hỏi ta phải tập luyện khắc khổ, nhưng không hề nặng nề. Bước chân của những người bạn ấy nhanh nhẹn và đòi hỏi ta phải có đủ sức mạnh để theo kẻo bị lạc hướng.

Thực vậy, ngày nay người ta chán ngấy với những lời nói suông rồi. Thứ chủ nghĩa Vô Thần lôi kéo được nhiều người theo, bởi vì những người Công giáo chúng ta nói nhiều quá. Thực tế là chúng ta có nhiều điều để nói, nhưng không phải chỉ bằng lời nói suông mà phải bằng việc làm cụ thể.  Chúng ta cần phải rao giảng Tin Mừng bằng chính con người cũng như bằng lời nói của chúng ta. Để người đời có thể tin vào Đấng đã sai người thanh niên ấy, thì người thanh niên ấy phải biểu lộ cho họ thấy sự khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh của Chúa Kitô, nghĩa là bạn phải lột bỏ tất cả vì Tình yêu mến Chúa và tha nhân, để có thể theo Thầy Giêsu đến cùng. Khi đã từ bỏ hết, còn cần đến nhiều chiếc Vali nữa không ?

Trong khi đọc danh sách những điều kiện cần để bước vào Chủng viện, con muốn ghi lại một danh sách khác để đưa cho bạn trẻ ngay hôm bước vào trường.

1. Hãy mang vào trường tinh thần học hỏi cầu nguyện để thầy có thể dạy cho những con chiên tương lai của thầy biết cầu nguyện : Lời cầu nguyện trong Thánh lễ, cầu nguyện suy niệm, cầu nguyện chiêm niệm, cầu nguyện chia sẻ, cầu nguyện âm thầm và lời cầu nguyện của Chúa Kitô. Những người khô khan nguội lạnh cần biết cầu nguyện hơn cả cần cơm ăn nước uống. Họ cần đến những kinh nghiệm đời sống thiêng liêng của thầy, chứ đâu cần đến những tri thức sách vở của thầy. Và họ chỉ thực sự học cầu nguyện nếu chính thầy đã cầu nguyện. 

2. Xin thầy nhớ rằng mỗi người tín hữu bình thường cũng như tất cả các Kitô hữu khác đều là một nhân vị gồm ba yếu tố không thể tách rời. Thực vậy, con người chúng ta gồm ba yếu tố tạo nên : Thể xác, Tinh thần và Linh hồn, và thầy không thể đáp ứng những nhu cầu của yếu tố này mà không đoái hoài gì đến hai yếu tố kia. Chính vì vậy, giáo dân đến với thầy -Linh mục tương lai- để giãi bày những vấn đề của cuộc sống hằng ngày, họ phải đến vì Linh mục có khả năng chữa lành. Tất cả các vấn đề đó liên hệ đến giá trị đạo đức, mà thầy là chuyên viên trong lĩnh vực này. Xin hãy luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người với lòng khoan dung. Hãy khuyên bảo  tận tình và kiên nhẫn! Thực vậy, ngoài Linh mục ra còn ai có thể làm được việc đó ?  

3. Với mục tiêu này, thầy hãy bắt đầu học hỏi và thực hành ngay bây giờ, không chỉ những lãnh vực chuyên biệt thuộc việc thờ phượng, đạo đức đang chờ đợi, mà còn cả hiểu biết về xã hội, và những lời dạy của Hội Thánh. Chớ xem thường việc học hỏi này và chớ cứ tưởng rằng : thầy có thể lĩnh hội một cách nhanh chóng sau ngày chịu chức ! Đây thật là một sai lầm tai hại, vì khi đó ( Chúa giúp cha !) thầy quên mất rằng từng lời nói và mỗi cử chỉ của Chúa Kitô có ý nghĩa xã hội lớn lao đến nỗi mà đã thay đổi cả thế giới và còn tiếp tục thay đổi. 

4. Xin thầy nhớ rằng những người bị bỏ rơi, những người nghèo hèn nhất, đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và tất cả những gì thầy làm cho những người bé mọn là thầy làm cho chính Chúa Kitô. Cũng vậy, ở Chủng viện thầy đừng cố công tìm ra những con đường, những cách thức để « né tránh thực hành  đức ái » Đừng để vỡ mộng và  để lỡ những hứa hẹn với các tín hữu ! Không, đừng làm việc đó, con xin thầy !

5. Thầy đừng quá hiểu theo nghĩa đen câu ngạn ngữ trên mà đi đến chỗ tách riêng mình ra. Thực vậy, thầy đã được chọn riêng, nhưng thầy được tấn phong Linh mục là để ở giữa chúng con, ngay cả khi thầy không phải thuộc cộng đoàn chúng con. Chớ gì chúng con đựơc gặp cha thường xuyên ! Được gặp cha là chúng con được lãnh nhận phép lành, được tăng thêm sự can đảm, được nhắc lại Đấng năm xưa đã vui vẻ đến ở giữa loài người. Xin hãy cho chúng con dễ gặp cha : Thực vậy, làm sao cha có thể dẫn chúng con đến với Chúa Kitô nếu cha chỉ ở trong bốn bức tường nhà cha và chỉ tiếp đón chúng con theo thời khoá biểu ? Có thể, chúng con sẽ cần đến cha bất cứ khi nào. Chúa Giêsu xưa không hề định ra giờ tiếp đón khách, thế sao cha lại có ?

6. Chớ gì chúng con được nghe tiếng cha, không chỉ ở giảng đài, nhưng ở bất cứ khi nào. Hãy đến thăm chúng con, ở gia đình cũng như ở ngoài đường! Hãy nói cho chúng con về Thiên Chúa và những đường lối của Ngài.  

7. Đặc biệt, cha hãy cất công tìm con chiên lạc. Những người tội lỗi và những tâm hồn lạc lối phải là mối bận tâm chính của cha. Xin cha đừng quên rằng cha là chủ chiên của tất cả các con chiên trong xứ và không chỉ những tín hữu Công giáo không mà thôi ! Như Postoievski nói : «  Chúng ta phải yêu thương một người đến cả tội lỗi của người ấy, vì chúng ta bắt chước Thiên Chúa Tình Yêu và đó là tình yêu thương vĩ đại nhất trên thế gian này ».  

Đó là vài suy nghĩ của con khi thấy người bạn trẻ đang sắp xếp đồ đạc ở Nhà Madonna và chuẩn bị cho hành trình dài trước mặt còn khá bỡ ngỡ này.

Con chầm chậm tiến về ngôi nhà thờ nhỏ màu trắng nằm bên bờ sông. Con đến quỳ gối lâu giờ trước bàn thờ Đức Mẹ khấn xin Mẹ biến đổi người thanh niên kia nên giống Chúa Kitô, để cho thế giới tuyệt vọng chúng con đây có thể đứng dậy và bước đi khi được chứng kiến người thanh niên trẻ ấy bước đi trong niềm tin, hy vọng và yêu thương, đến với Thánh Tâm Con của Mẹ và được chữa lành. Alleluia !!!

VỀ MỤC LỤC
Xin Chúa tha thứ cho bạn. 

Tác phẩm: Cầu Nguyện Cá Nhân: Bí quyết tình yêu và vui sống 

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Phần thứ hai 

Đối thoại với Chúa thế nào? 
 

h  a  i 

“Có hai người lên Đền thờ cầu nguyện: một người Biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, tạ ơn Chúa, vì tôi không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của tôi.’ Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ’Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người nầy khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên’’(Lc.18:10 - 14).

Nhìn nhận sự thật

Lòng kiêu ngạo nguy hiểm nhất của người biệt phái là cho rằng mình hoàn hảo và khinh miệt ‘’người tội lỗi công khai’’, tức là người không che giấu được lỗi lầm của họ. Bạn có khéo che đậy lầm lỗi của bạn không? Có những người chỉ trích tấn công khuyết điểm của kẻ khác để che đậy tội lỗi của họ. Bạn hãy sợ ‘’lối đánh lừa thiên hạ’’ đó và nghĩ đến hậu quả khi bị lột mặt nạ! 

Trái lại, Chúa Giêsu tôn trọng và đặc biệt yêu thương những người nhìn nhận tội mình. Như vậy, kiêu ngạo không phải là một tội như những tội khác, mà là một ‘’tội bình phương’’, vì nó che mắt lương tâm không cho ta nhìn thấy tội mình. Người kiêu ngạo là người mù và lời cầu nguyện của y hoàn toàn lầm lạc. Khi ra trước mặt Chúa, y luôn luôn đặt mình trong vị trí ưu thế, vô tội và do đó không thể xin ơn tha thứ một cách thành thật được, vì y không biết nhìn nhận mình là tội nhân. 

Người không nhìn nhận tội lỗi mình không thể nào gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện Tuyệt Đối được. Trong một thị kiến, Isaia đã kêu lên: ‘’Khốn cho tôi, tôi chết mất, vì tôi là một con người miệng đầy nhơ bẩn mà mắt tôi đã trông thấy Thiên Chúa Hằng Sống’’ (Is. 6: 5). Cả Phêrô khi khám phá thấy quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Kitô cũng thốt lên: “Lạy Chúa, xin Ngài tránh xa con, vì con là một người tội lỗi’’ (Lc. 5: 8). 

May mắn thay Thiên Chúa Chí Thánh cũng là một đại dương của tình yêu, dịu dàng và thương xót. Ngài hằng đưa tay ra cho tội nhân được an lòng. Ngài mở rộng vòng tay đón đứa con hoang đàng trở về và ban cho nó mọi phương tiện để được thanh tẩy. Như thế, nhìn nhận sự thật, trước tiên là nhìn vào Thiên Chúa, chứ không phải nhìn mình như là trung tâm điểm. 

Rồi dưới cái nhìn của Thiên Chúa, biết nhìn nhận mình là tội nhân, ngay cả khi không biết cáo mình về tội gì rõ rệt. Phải khẩn trương chống lại lòng kiêu ngạo bằng cách hạ mình như người thu thuế. Bạn có nhận xét thấy thái độ vật lý của người thu thuế khi cầu nguyện không? Ông ta đứng xa xa, ngay cả không dám ngước mắt lên trời, cúi đầu đấm ngực mình. Bạn cũng hãy làm như vậy trong khi bạn cầu nguyện, đó sẽ là một thực tập cải tạo tuyệt vời. Bạn cũng thốt lên cùng những lời như thế nhiều lần: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’’ Bạn cũng có thể thêm vào mà không sợ lầm: “Xin thương xót con là kẻ kiêu ngạo. Xin dạy con bí quyết của khiêm nhường.’’ 

Lòng chúng ta như là đáy sâu hang tối. Sự nhìn nhận sự thật mở ra con đường tha thứ, mang ánh sáng xuống tận đáy sâu hang tối ấy. Ngọn đèn trên nón nhà thám hiểm chính là ánh sáng Phúc Âm. Dây an toàn chính là Thánh Giá đưa đến Phục Sinh của Chúa Giêsu. Mỏ neo đánh bạt mọi chướng ngại là sự thống hối. Và nhà hướng đạo chuyên nghiệp bảo đảm chiến thắng là linh mục, thừa tác viên của ơn tha thứ. 

Ánh sáng Phúc Âm được ban cho bạn để bạn ra khỏi mù tối về chính bạn, về Thiên Chúa và thế giới. Nếu bạn muốn lời cầu nguyện của bạn thực sự là lời cầu nguyện, bạn hãy không ngừng tìm chân lý Phúc âm. 

Vì đang nói tới tội và ơn tha thứ, tôi lấy thí dụ rất thông thường là có những tội ta lấy làm khó chịu, có những tội lại không. Tất cả tùy thuộc cái nhìn kitô của ta. Mê ăn đối với người nầy là tội mà đối với người khác lại không. Có những người coi cái gì về tính dục cũng đều là tội, trong khi chẳng bao giờ coi giận hờn và xét đoán kẻ khác là lỗi nặng. Do đó, điều quan trọng là cần có sự soi chiếu khách quan, đầy đủ và chính xác. Trong lãnh vực nầy, không gì tốt hơn là qui chiếu vào Bài Giảng Trên Núi (Mt.5-7). Bạn hãy đọc ba chương nầy của Phúc âm Matthêu để học biết cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì không đẹp lòng Chúa.

Thánh giá Chúa Kitô là chổ trung tâm nhất để sống ơn tha thứ. Ở đó, bạn khám phá được tội lỗi của bạn dẫn tới đâu. Ở đó, bạn chiêm ngắm những gì Chúa Giêsu đã làm cho bạn, trải qua muôn vàn khổ đau. Bạn hãy năng đến cầu nguyện dưới chân thập giá, để tội lỗi bạn lại đó mà xin ơn tha thứ. Càng nhìn Chúa Chịu Đóng Đinh, bạn càng khám phá thấy sự khủng khiếp của hỏa ngục, đồng thời bạn cũng khám phá được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nhờ sự chiến thắng của Chúa Phục Sinh, bạn nhận ra bí quyết của tình yêu lớn nhất. 

Lòng thống hối cứu ta khỏi mọi tội lỗi. Nhưng coi chừng, không phải là cứ nhìn vào gương để rồi bạn tự cảm thấy mãn nguyện hay thất vọng về chính mình bạn. Có khi bạn tự nhủ: “Tôi hài lòng về tôi, tôi không thấy tôi xấu như thế, lỗi của tôi chẳng nặng nề chi...’’ Đó là lương tâm của biệt phái! Có khi bạn lại nói: “Tôi thất vọng lắm, tôi quá tồi tệ, tôi không ngờ tôi lại như thế, tôi thật xấu hổ...’’ Đó là lương tâm của Giuđa! Lòng thống hối đích thực chỉ nói đơn sơ: “Con là kẻ tội lỗi, con không thể chữa mình trước mặt Chúa. Lòng nát tan, con xin Chúa thứ tha. Con tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Con cám ơn Chúa.’’ 

Linh mục có đó để bảo đảm cho bạn cách cụ thể ơn tha thứ của Chúa. Qua Bí tích Hòa Giải, bạn có thể thành công trong việc nhìn nhận đúng sự thật đời mình. Nhiều người đạt được kinh nghiệm quí báu đó. Hãy khiêm tốn để được lòng thương xót của Chúa và được biến đổi. Ngay khi có dịp, bạn hãy đón nhận bí tích trở về mang lại ơn tha thứ giải phóng ấy.

 Đèn đỏ phải ngừng 

Có những người bị ùn tắc, không thể tha thứ và đón nhận tha thứ. Khi bị người nào lăng nhục mà bạn nuôi trong lòng một ước muốn báo thù, thì nó sẽ trở nên một ám ảnh làm cho ký ức bạn bị tổn thương. Nó sẽ đầu độc các tương quan của bạn với Chúa và với tha nhân. Nó sẽ làm bạn khựng lại trong việc cầu nguyện, chẳng hạn bạn không thể đọc cách thành thật được ‘’xin tha thứ những xúc phạm của con, như con cũng tha thứ cho những ai xúc phạm con’’. Và có thể như thế, tận đáy lòng, bạn thù ghét Thiên Chúa, bạn thù ghét chính bản thân bạn, bạn thù ghét mọi người! Hãy coi chừng, đó là đèn đỏ phải ngừng lại: nguy hiểm của cái chết thiêng liêng! 

Ma quỉ rất tài tình trong việc cầm hãm chúng ta chối từ lòng thương xót Chúa. Nó làm cho chúng ta bỏ lời cầu nguyện khiêm tốn của mình. Chiến thuật đầu tiên của nó là ‘’thất vọng trắng’’. Nó đẩy chúng ta đến chỗ không còn sợ tội, vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ. Tại sao phải nhọc công? Sớm muộn chi ai cũng được kéo vào trong lưới tình thương bao la của Chúa. Do đó chẳng cần sửa mình, chẳng cần tìm ơn tha thứ, chẳng cần khiêm nhường van xin. Xưng tội ư? Không hợp thời nữa rồi! 

Chiến thuật tiếp theo của nó là ‘’thất vọng đen’’. Nó đẩy chúng ta đến chỗ quá lưu ý đến tội lỗi, đến đỗi không còn tin vào lòng thương xót của Chúa. Như Giuđa, chúng ta tự kết án mình, cả đi đến tự vẫn. Thất vọng trắng hay đen đều là một lời chửi rủa thậm tệ Thiên Chúa. Nó giam hãm chúng ta trong con người nhỏ bé của mình, đến đỗi không còn trông cậy vào sự giúp đỡ của những người khác, kể cả của Đấng Cứu Thế. Đó là sự giam cầm của Hỏa ngục. 

Trái lại, Chúa Giêsu đẩy chúng ta đến ơn tha thứ: “Nếu con tha cho kẻ khác lầm lỗi của họ thì Cha trên trời cũng tha thứ cho con. Nhưng nếu con không tha thứ cho người khác thì Cha trên trời cũng chẳng tha thứ cho con lầm lỗi của con đâu’’ (Mt.6:14-15). Nói khác đi, để nhận được ơn tha thứ thì cũng phải có thể cho đi sự tha thứ. 

Có phải Thiên Chúa tính toán với bạn: ‘bánh ít cho đi bánh nhụy trả lại’, như người làm thương mại không? Dĩ nhiên là không. Không có vấn đề tính toán nhưng là hiệp thông. Tôi lấy thí dụ một đứa trẻ phạm một lỗi nặng bị mẹ quở trách. Nó bực mình hờn giỗi thu mình trong một góc. Ít giờ sau, mẹ nó bảo: ‘’Bây giờ là hết, mẹ tha thứ cho con, con hôn mẹ đi.’’ Nếu đứa bé từ chối lời mẹ và cứ tiếp tục hờn giỗi thì cái gì xảy ra? Nó không thực sự được tha thứ, mặc dầu về phía bà mẹ, sự tha thứ đã được cho đi. Sẽ không có gì thay đổi cho nó, bao lâu nó không chấp nhận tha thứ và được tha thứ. Cũng cùng một sự như thế với Thiên Chúa. 

Như vậy, bạn đừng nghĩ rằng mình sẽ được tha thứ mà cứ chồng chất tội lỗi. Bạn cũng không được ngã lòng khi gặp phải khó tha thứ. Điều chính yếu là mở lòng bạn ra với Chúa, để tự do nói với Ngài những gì bạn sống, dù chẳng có chi sáng chói. Bạn có thể nói lên tất cả trong lời cầu nguyện: những niềm vui của bạn, những khổ nhọc của bạn, những nổi loạn của bạn, những nghi ngờ của bạn, những kêu ca và những khóc lóc của bạn. Các thánh vịnh đầy dẫy những tình cảm phàm nhân, từ những tình cảm cao thượng nhất cho đến những tình cảm thấp hèn nhất. Nhưng những lời nguyện tấn công, hiếu chiến đừng nhắm vào con người, mà nhắm vào những thần trí sự dữ và các thứ quỉ: ghét tội lỗi nhưng thương tội nhân. 

Bạn cũng có thể than thở với Chúa, như Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao chúa bỏ con?” (Tv. 21: 2). Bạn cũng có thể phiền trách Chúa như Gióp khi bị nghiền nát dưới những đau khổ khủng khiếp mà ông chẳng hiểu: “’Tại sao Chúa lôi con ra khỏi lòng mẹ?’’ (Job. 10: 18). Thiên Chúa nhẫn nại lắng nghe những lời kêu than đau khổ. Và khi cay đắng đã được dốc cạn trước mặt Ngài thì sẽ đến sự ngọt ngào của ơn tha thứ. Lòng thương xót của Chúa vô cùng linh hoạt hằng theo bạn mọi lúc, để giúp bạn dễ dàng tiến bước đến ‘’bí quyết tình yêu’’. Lòng thương xót Chúa như bà mẹ cảm nhận trong trái tim mình tất cả mọi tình cảm của đứa con. Ngay khi bạn nương cậy vào lòng nhân lành của Chúa, bạn sẽ đón nhận cảm giác an toàn bao la trong nội tâm.

‘’Con chẳng đáng, nhưng...’’ 

Bí quyết xin Chúa tha thứ nằm trong phương trình đơn giản nầy: Tha thứ = Khiêm nhường + Hy vọng. Con người chúng ta chẳng có công trạng gì, nhưng lại đắc tội trong mọi sự. Bạn đừng để một phút giây nào mà không trông cậy tất cả nơi Chúa. Hãy bám chặt lấy lòng thương xót của Chúa, vì bạn thế nào thì Chúa thương bạn thế ấy. Bạn hãy ngắm nhìn lòng tin của viên đội trưởng trong Phúc Âm. Chúng ta đọc lại lời kêu xin của ông trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa, nhưng xin Chúa phán một lời thì con sẽ được chữa lành.’’ Nếu bạn chờ khi nào cảm thấy ‘’xứng đáng’’ để cầu nguyện, để xưng tội, để rước lễ thì không biết bạn sẽ chờ đến bao giờ! Ma quỉ là thầy dạy tuyệt hảo về sự xứng đáng, nó khuyên bạn chạy tìm cho được sự xứng đáng, mà chính nó cũng dư biết chẳng bao giờ con người có được. 

Trái lại, Thần Trí Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta rằng chẳng bao giờ chúng ta xứng đáng rước Chúa cả. Sự xứng đáng đích thực của chúng ta chính là quên việc chạy tìm sự xứng đáng ấy để chơi trò ’ai mất thì được’: “Kẻ nào nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.’’ Bạn càng muốn thấy loại trừ được hết tội lỗi đời bạn, bạn càng cảm thấy không xứng đáng vào Nước Chúa. Nhưng bạn sẽ nhảy mừng vì Chúa cho bạn đầy quà tặng và ban nhưng không cho bạn tất cả những gì bạn thiếu, để bạn được nên giống Chúa. Vì chúng ta phải chạy tới mục đích “không phạm tội nữa” (x.1Jn.3, 3-10) là điều “không thể” đối với loài người, nhưng lại “có thể” đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy để Chúa hành động bằng những phương thế của Ngài. Bạn hãy thẳng thắn xử sự như thế và làm sống trong bạn những lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất để xin ơn tha thứ.

Một lời cầu nguyện khiêm tốn 

Bạn thuộc nằm lòng Kinh Cáo Mình, nhưng bạn có cân nhắc đủ từng chữ không? 

“Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng...’’ Phải, bạn thú nhận tội bạn trước mặt Đấng mạc khải cho bạn một tình yêu toàn năng có sức tha thứ. Bạn tín nhiệm vào Chúa. Bạn biết rằng tội bạn sẽ được tha thứ, nếu bạn ăn năn thống hối trở lại cùng Chúa. 

“Tôi nhìn nhận trước mặt anh chị em rằng tôi đã phạm tội.’’ Bạn chấp nhận không còn biện minh trước mặt người khác nữa, nhưng thẳng thắn và can đảm thú nhận tội bạn. Bạn không sợ bị kết án, vì họ là anh chị em của bạn trong Chúa Kitô. Họ sẽ giúp bạn sửa chữa lầm lỗi của bạn. 

“Trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.’’ Cội rễ của tội nằm ở trong lòng, trong tư tưởng. Xin Chúa tha cho bạn những tư tưởng xấu mà bạn không muốn xua đuổi đi ngay. Xin Chúa cũng tha cho bạn những lời nói dối trá, bạo lực, thiếu bác ái mà bạn không kiểm soát được. Xin Chúa tha cho bạn những hành vi ích kỷ chế ngự bạn suốt bao tháng ngày. Xin Chúa tha cho bạn biết bao quên lãng, chia trí, những cơ hội bỏ qua mà bạn đã có thể làm tốt hơn. 

“Vâng, con đã thực sự phạm tội’’ (đấm ngực). Bạn xác nhận trách nhiệm của bạn. Trước mặt Chúa, bạn đã đắc tội hơn là nạn nhân. Bạn hạ mình xuống chỗ rốt hết, hổ thẹn nhưng tin tưởng. Bạn cám ơn Chúa vì đã cho bạn có thể cậy trông vào sự tha thứ của Chúa. 

“Vì vậy con khẩn cầu cùng Trinh Nữ Maria.’’ Ngoài Chúa Kitô, chỉ có một người vô tội: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử.’’ Cám ơn Mẹ đã cầu nguyện cho chúng ta là những người tội lỗi. 

“Các Thiên Thần và toàn thể các Thánh.’’ Một sức mạnh bao la giúp bạn chiến thắng tội lỗi. Được một đạo binh thánh thiện như thế cổ vũ và nhờ ơn Chúa, làm sao mà lại không hy vọng trở nên tốt hơn được? 

“Và anh chị em nữa, xin khẩn cầu cho tôi trước mặt Chúa.’’ Nếu bạn cậy dựa vào lời cầu nguyện của anh chị em bạn, thì anh chị em bạn cũng phải cậy dựa được vào lời cầu nguyện của bạn nữa. Bạn cầu nguyện cùng Chúa cho các anh chị em tội lỗi của bạn. Xin Chúa giải thoát bạn khỏi kết án lỗi lầm của anh chị em bạn. Xin cho bạn có một cái nhìn yêu thương giúp anh chị em bạn biến đổi.

Chúa nghiêng xuống trên con

             Chúa ơi,

             Buổi đầu con cầu nguyện thầm thỉ,

             Sợ người ta chú ý.

             Rồi con vội chạy đi,

             Dần dần rơi vào quên lãng,

             Trong thói quen, trong công việc. 

             Sức mạnh nào hơn con thúc đẩy,

             Con cầu nguyện, vẫn sợ bị chú ý.

     

             Nhưng,

             Chúa nghe con, mà con không đáp lại.

             Mạnh hơn, con nghe tiếng Chúa vào tai:

            “Con muốn Cha làm gì cho con?’’ 

 

             Chúa đã nghiêng xuống trên con.

             Con thấm đượm tình yêu Chúa,

             Con không còn sợ, vì có Chúa.

             Con tìm nghe Chúa,

             Đấng mở cõi lòng,

             Cho con thích sống,

             Đầy tin tưởng và hy vọng.

VỀ MỤC LỤC
NGHIỆN RƯỢU

 

Rượu là một hợp chất hữu cơ do sự lên men của tinh bột và đường bằng một loại men rượu mà thành.

Rượu đã được dùng từ thuở xa xưa, trong nghi lễ tôn giáo, trong các dịp vui mừng, cũng như trong đời sống hàng ngày.

Uống vừa phải, rượu không gây tác hại. Nhưng uống nhiều, rượu có thể đưa tới nghiện rượu, phụ thuộc vào rượu và có ảnh hưởng xấu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nghiện rượu có phải là một bệnh không?

Nghiện rượu đã được coi như một bệnh của cơ thể, giống như các bệnh khác. Có điều hơi khác, là bệnh nghiện rượu thường lại do chính người bệnh tự ý gây ra.

Thế nào là Nghiện Rượu?

Nghiện rượu là bệnh mãn tính trong đó người bệnh bị ám ảnh với rượu và mất sự kiểm soát về số lượng tiêu thụ.

Họ ở vào tình trạng đòi hỏi rượu mãnh liệt chẳng khác chi sự đòi hỏi thức ăn, nước uống.

Họ thường tiếp tục uống rượu mặc dù đã có những hậu quả trầm trọng về sức khỏe, về gia đạo, về việc làm, đôi khi có những tác phong, hành động vi phạm pháp luật.

Không điều trị, bệnh nghiện rượu sẽ kéo dài suốt cuộc đời và có thể đưa tới tử vong.

Xin kể các dấu hiệu của bệnh nghiện rượu         

Nghiện rượu có các dấu hiệu như sau:

1- Người bệnh thèm rượu kinh khủng, luôn luôn ám ảnh với rượu và có nhu cầu uống vài ly cho đỡ nhớ.

2- Mất tự chủ, không kiểm soát được lòng mình. Người nghiện sẽ uống rượu mặc dù đã nhiều lần hứa với người thân và hứa với lòng mình là không uống nhưng vẫn tiếp tục uống dù biết là đã uống quá nhiều.

3- Phụ thuộc vào rượu: Khi ngưng hoặc giảm số lượng, người nghiện rượu cảm thấy trong mình bực bội, khó chịu, ói mửa, đổ mồ hôi, cơ thể run rẩy, ngáp lên ngáp xuống, thiếu nhớ rượu.

4- Tăng khả năng uống: Uống nhiều tới “say xỉn” rồi mà họ vẫn chưa đã cơn ghiền

Họ thường lén lút uống một mình, không thích thú với công việc thường làm, cảm thấy nóng nẩy khi tới bữa mà không có rượu, dấu rượu ở nơi mà chỉ họ biết, đang làm việc cũng lén lút mở chai rượu, tu một hơi...

Ai thường hay nghiện rượu?

Nam giới thường nghiện rượu nhiều hơn nữ giới, tuổi 18-29 nhiều hơn lớp tuổi trưởng thành hoặc trên 65 tuổi.

Nguyên do nào đưa tới nghiện rượu?

Có nhiều nguy cơ đưa tới nghiện rượu như di truyền, rối loạn tinh thần, khó khăn trong công việc làm ăn, gia đạo bất an, áp lực rủ rê của bè bạn, sự quảng cáo và sự sẵn có của rượu.

Uống nhiều rượu có tác hại gì cho cơ thể không?

Khi mới dùng, rượu có tác dụng kích thích tinh thần. Nhưng nếu tiếp tục, rượu trở thành chất làm dịu thần kinh, ành hưởng tới sự suy nghĩ, cảm xúc và xét đoán.

Tiếp tục uống nữa, rượu gây tổn thương cho não bộ và các cơ quan bộ phận khác, người nghiện có thể rơi vào tình trạng hôn mê, tử vong.   

Rượu gây ra viêm gan, xơ cứng gan, viêm loét bao tử, viêm tụy tạng, cao huyết áp, suy nhược cơ tim, hư hao xương, giảm tình dục, viêm dây thần kinh ngoại vi, tăng nguy cơ bị ung thư cuống họng, thực quản, gan và ruột già.

Uống rượu khi mang thai đưa tới khuyết tật cho thai nhi.

Ngoài ra, nghiện rượu còn đưa tới xáo trộn nếp sống gia đình, ly dị, kém khả năng làm việc và học hành, tăng tai nạn xe cộ, vi phạm luật giao thông, nhiều nguy cơ tự tử, giết người.

Có lượng rượu nào an toàn không?

Ðối với người trưởng thành, uống một lượng rượu vừa phải mỗi ngày có thể tương đối an toàn.

Vừa phải là một lon bia 350cc, một ly vang 150cc, một ly rượu mạnh 50cc, hai lần mỗi ngày cho nam gíới, một lần mỗi ngày cho nữ giới và người cao tuổi.

Những người sau đây không nên uống rượu:

- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai

- Người sắp làm công việc cần sự tỉnh táo, phản ứng nhậm lẹ, khéo léo như lái xe tự động.

- Người đang uống thuốc chữa các loại bệnh.

- Người đang bị bệnh mà uống rượu có thể làm bệnh trầm trọng hơn.

- Người đã được điều trị và đang hồi phục nghiện rượu

- Thiếu niên dưới 21 tuổi.

Làm sao biết là bị nghiện rượu?

Sau đây là bản trắc nghiệm để coi có bị nghiện rượu hay không. Xin trả lời 4 câu hỏi sau đây:

- Có bao giờ cảm thấy cần phải giảm lượng rượu tiêu thụ?

- Có thấy bực mình khi bị chỉ trích là nghiện rượu?

- Có bao giờ cảm thấy hối hận vì tật uống rượu của mình?

- Có bao giờ mới sáng dậy mà đã phải uống một ly rượu để có tinh thần làm việc?

Trả lời “CÓ” chỉ một lần thôi thì có thể có vấn đề với uống rượu.

 Nếu “CÓ” trên một lần, là có nhiều khả năng ghiền và cần đi bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để xác định coi có bị bệnh không rồi điều trị.

Nếu trả lời “KHÔNG” đối với tất cả 4 câu hỏi trên, nhưng khi uống rượu mà gặp khó khăn trong việc làm, trong giao tế với mọi người, về sức khỏe hoặc pháp lý, cũng nên tìm sự giúp đỡ. Mình có thể ở trong tình tạng lạm dụng rượu và sự lạm dụng này cũng có tác hại trên bản thân và với người khác.

Có chữa dứt được bệnh nghiện rượu không?

Nghiện rượu có thể chữa được bằng dược phẩm, tư vấn tâm lý, hỗ trợ của gia đình, bạn bè, xã hội.

Hiệu quả của điều trị tùy thuộc ý chí người nghiện có thực tâm muốn xa lánh thần Lưu Linh hay không.

Một số người ngưng uống hoàn toàn, một số khác uống lại sau một thời gian dài.

Tuy nhiên, với điều trị, người nghiện rượu kiềm chế được và thời gian kiềm chế càng lâu thì họ càng dễ dàng ngưng uống.

Phải làm gì nếu muốn chữa bệnh nghiện rượu?

Ðiều kiện tiên quyết là người nghiện rượu phải thừa nhận mình có vấn đề với rượu và có nhu cầu giúp đỡ để ngưng uống rượu.

Rồi tìm kiếm nơi điều trị, hỗ trợ càng sớm thì sự hồi phục càng có nhiều triển vọng thành công hơn.

Bệnh nhân có thể đến trung tâm tư vấn về lạm dụng chất gây ghiền, nói chuyện với một chuyên viên về lãnh vực này.

Họ sẽ hỏi một số câu hỏi về thói quen uống rượu để xác định coi xem mình có vấn đề với rượu hay không cũng như trắc nghiệm sự “muốn chừa” rượu của mình.

Hãy thành thực trả lời các câu hỏi. Nếu chuyên viên này cho rằng mình có dấu hiệu nghiện rượu và quyết tâm muốn ngưng, mình sẽ được giới thiệu tới một trung tâm cai rượu với nhà chuyên môn chữa bệnh nghiện rượu.

Ngoài ra mình cũng nên tham dự sinh hoạt của các tổ chức hỗ trợ người nghiện rượu như Alcoholic Anonymous (AA), Al-Anon để cùng chia sẻ khó khăn và cùng nhau từ bỏ rượu. 

 

Kết luận

Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Sơ Đẳng do Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư xuất bản cách đây trên nửa thế kỷ có tả người say rượu như sau:

“ Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh ta lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại ai trông thấy cũng phải tránh xa.

Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ.

Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình.”

Các cụ ta ngày xưa có nhận xét quá chính xác về tác phong, hành động của người say sưa nghiện rượu

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức   Texas-Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC

TAM VÒNG, Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Buổi tối, mấy đứa con nít ngồi cãi nhau chí chóe về vấn đề đờn bà và đờn ông. Một đứa lên tiếng hỏi :

- Đờn bà bởi đâu mà có ?

- Thì bởi đờn ông chứ còn bởi ai ?

- Thế đờn ông bởi đâu mà có ?

- Thì bởi đờn bà chứ còn bởi ai ? Nếu không có đờn bà, thì  lấy ai sinh ra đờn ông, không khéo đờn ông đã tiêu tùng từ lâu.

Và thế là bọn con nít rơi vào một chiếc vòng luẩn quẩn giữa đờn ông và đờn bà, giữa đờn bà và đờn ông. Cuối cùng một đứa xem ra có vẻ thông thái đã cất tiếng nói :

- Đức Chúa Trời đã dựng nên người đờn ông thứ nhất, rồi từ đó sinh ra người đờn bà thứ nhất và cứ thế, cứ thế….liên tục phát triển cho đến ngày hôm nay.

Thực vậy, theo sách Sáng Thế Ký thì thưở ban đầu, Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn, rồi thổi hơi vào lỗ mũi mà làm thành người đàn ông đầu tiên, mang tên gọi là Adong. Sau đó, Ngài thấy Adong sống cô độc lẻ loi và cu ky một mình thì động lòng thương, bèn chờ lúc Adong ngủ say, lấy một chiếc xương sườn của chàng mà dựng nên người đờn bà đầu tiên. Ngài dẫn người đờn bà này tới giới thiệu với Adong. Vừa nhìn thấy, cặp mắt Adong đã sáng lên long lanh, còn đôi môi thì hớn hở mừng rỡ mà kêu lên hai tiếng :

- Mình ơi !

Rồi Adong đã đặt tên cho người đờn bà này là Eva, bởi lẽ nàng là mẹ của chúng sinh. Theo quan niệm của sách Sáng Thế Ký, thì đờn ông và đờn bà đều được Đức Chúa Trời dựng nên, bình đẳng với nhau về trách nhiệm cũng như bổn phận, mặc dù mỗi người đều có một lãnh vực riêng của mình. Vì thế, một vị thánh nào đó đã diễn tả :

- Đức Chúa Trời đã  không lấy xương sọ mà dựng nên Eva, vì thế bà không được chỉ huy ông. Ngài cũng không lấy xương gót chân mà dựng nên Eva, vì thế ông không được đày đọa bà. Nhưng Ngài đã lấy chiếc xương sườn ở cạnh lái tim mà dựng nên Eva, vì thế ông phải yêu thương bà và bà phải yêu thương ông.

Ngoài ra, còn rất nhiều truyền thuyết khác nữa nói về nguồn gốc của người đờn bà. Gã xin kể ra đây hai truyền thuyết mà thôi.

Truyền thuyết thứ nhất kể lại rằng :

Thưở ban đầu, người đờn ông sống trơ trụi một mình. Vừa đơn độc lại vừa buồn phiền. Thượng đế lấy làm tội nghiệp. Ngài bèn dùng một chút dịu dàng của hoa lan, một chút xinh đẹp của hoa hồng và một chút tinh khiết của hoa huệ. Tất cả được trộn lẫn với nhau, nhưng chưa đủ. Ngài còn hòa vào đó một chút tinh ranh của con khỉ già, một chút độc ác của con rắn hổ mang và một chút hung dữ của con sư tử. Tất cả được quyện lẫn với nhau mà làm nên người đờn bà. Thượng đế trao người đờn bà ấy cho người đờn ông. Kể từ đó, người đờn ông không còn trơ trụi một mình nữa.

Nhưng rồi vào một buổi sáng u ám, người đờn ông bỗng cảm thấy không còn chịu đựng nổi sự tinh ranh, độc ác và hung dữ của người đờn bà, nên đã trả nàng lại cho Thượng đế. Thế nhưng, cuộc ly hôn đầu tiên này diễn ra chưa được một tuần trăng, thì người đờn ông bỗng cảm thấy nhớ day nhớ dứt vẻ dịu dàng, xinh đẹp và tinh khiết của người đờn bà, nên đã xin Thượng đế cho mình được lấy lại. Và từ đó, họ sống hạnh phúc với nhau.

Truyền thuyết thứ hai kể lại rằng :

Sau khi dựng nên núi đồi và biển cả, cây cối và muông thú, cuối cùng Thượng đế mới hoàn tất tác phẩm tuyệt vời của mình, đó là là người đờn ông với tên gọi là Adong. Bấy giờ, Adong đi lang thang hết chỗ này đến chỗ kia, nhưng luôn cảm thấy trống vắng. Một buổi sáng, Adong dừng chân bên hồ, chàng mừng rỡ khi nhận ra bóng mình in trên mặt nước. Và thế là chàng bèn nhảy xuống để ôm lấy chiếc bóng mình trong vòng tay, nhưng không thể được. Chàng buồn bã ngồi thinh lặng dưới gốc cây và than thở cùng Thượng đế về sự trống vắng. Thượng đế liền trả lời :

- Thôi được, hãy dẫn Ta tới hồ nước.

Thượng đế nắm lấy chiếc bóng của Adong trong lòng bàn tay, thổi vào đó một luồng sinh khí. Và thế là một người đàn bà đẹp hết ý mang tên gọi là Eva bỗng xuất hiện. Nàng chớp chớp đôi mắt và khẽ nói :

- Tôi hiện hữu hay không hiện hữu ?

Thượng đế mỉm cười và bảo :

- Đây là quy luật của muôn đời : khi con ở cạnh người đờn ông, thì con hiện hữu. Trái lại, khi vắng bóng chàng, con sẽ không còn hiện hữu nữa.

Từ những truyền thuyết trên, gã nhận thấy bàn dân thiên hạ cũng đã dành cho người đờn bà một sự trân trọng đáng kính nào đó và nàng trở thành một con người không thể thiếu vắng cho phe đờn ông con giai. Thế nhưng, trải qua dòng thời gian, phe đờn ông con giai đã lờ tít và cố tình quên đi sự trân trọng đáng kính ấy, để rồi ỷ vào sức mạnh trời cho, mà đày đọa cánh đờn bà con gái. Từ đông sang tây, cũng như từ cổ chí kim, họ đã nhìn cánh đờn bà con gái bằng nửa con mắt.

Thực vậy, ở phương tây có những kẻ muốn trút tất cả mọi tội lỗi lên đầu cánh đờn bà con gái. Theo họ : khi cánh đờn bà con gái chưa xuất hiện trên mặt đất này, thì phe đờn ông con trai sống rất ư là thoải mái, vui vẻ và đầm ấm. Thế nhưng, khi cánh đờn bà con gái vừa xuất hiện, thì lập tức có ghen ghét và vu cáo, bạo loạn và chiến tranh. Và cũng theo họ : lòng dạ đờn bà con gái thì vô cùng hiểm độc và nhan sắc của họ dễ làm cho phe mày râu chìm đắm.

Các triết gia như Anaxilas thì khẳng định : hùm beo, rắn độc, quái vật, sư tử…bao nhiêu thứ ấy là cái quái gì chứ ? Chẳng là cái thá gì cả trước đờn bà con gái. Phutarque thì nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng đầy khinh bỉ : Khi các ngọn nến được thổi tắt, thì tất cả đờn bà con gái đều xinh đẹp cả.

Các nhà văn, chẳng hạn như  Somerset Maugham đã lập luận như sau :

- Vì cớ làm sao những người đờn bà xinh đẹp đều lấy những người đàn ông tầm thường ? Xin thưa rằng những người đàn ông thông minh sẽ chẳng bao giờ chịu lấy những người đờn bà xinh đẹp cả.

Georges Courteline thì than thở :

- Những gì mình làm cho đờn bà con gái thì họ quên rất mau, còn những gì mình không làm cho họ thì họ lại nhớ mãi nhớ hoài. (Kiến thức ngày nay số 43).

Ý thức được sự bất công và địa vị yếu kém của mình, cánh đờn bà con gái đã đoàn kết lại để đấu tranh, thiết lập những phong trào, nào là phụ nữ đòi bình đẳng, nào là phụ nữ đòi quyền sống và ngay cả phụ nữ đòi quyền…sướng nữa. Thế nhưng, xem ra tình trạng mới chỉ sáng hơn được một chút xíu mà thôi.

Ông Nguyễn Thanh Long, trong một bài viết trên báo “Công giáo và Dân tộc”  đã cho biết những nét đại cương như sau :

Hiện nay, đờn bà con gái chiếm ít nhất 50% dân số nhân loại. Theo một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc được công bố năm 1999, thì chẳng có quốc gia nào đối xử với nữ giới bình đẳng với nam giới. Trên trái đất, có 1,3 tỷ người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói, thì đờn bà con gái chiếm tới 70%. Tổng trị giá của những công việc đờn bà con gái phải làm mà không có lương được ước tính khoảng 11.000 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Số lượng đờn bà con gái đi làm có lương chỉ là 1/3 so với đờn ông con giai. Số tiền lương họ được lãnh chỉ bằng 10% tổng quỹ lương. 50% nhân loại ấy chỉ đứng tên sở hữu 1% tài sản trên thế giời!

Trong lãnh vực chính trị, sự hiện diện của đờn bà con gái lại còn quá thấp. Tại Pháp, quốc hội hiện nay chỉ có khoảng 60 nữ trên tổng số 577 đại biểu, tỷ lệ 10,2%. Mỗi khi một nhân vật nữ được bàu vào một chức vụ cao, thì đó là một “sự lạ cả thể” và được bàn dân thiên hạ nhìn bằng một cặp mắt nghi ngờ.

Trong phạm vi tôn giáo, một vị thánh nổi tiếng là Âu Cơ Tinh cũng đã khẳng định đờn bà con gái thấp kém hơn đờn ông con trai. Vì thế, họ không được tham gia vào những hoạt động về xét xử hay giảng dạy trong Giáo hội. Thậm chí theo truyền thuyết còn có cả một công đồng, trong đó các nghị phụ đã tranh cãi về vấn đề đờn bà con gái có linh hồn hay không ?

Còn tại nước Đức, phe đờn ông con giai đã gọi cánh đờn bà con gái là người của 3K : Kinden tức là con nít, Kuchen tức là bếp núc và Kirch tức là nhà thờ. (Công giáo và Dân tộc số 1447).

Trong kinh Coran, Đức Mahomet đã truyền dạy các tín đồ đực rựa như sau : Đờn bà con gái là một mảnh đất đã được cày sẵn, các con cứ việc đến đấy, tha hồ mà trồng cấy.

Còn ở phương đông như tại Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo, trải qua nhiều thế kỷ chủ trương trọng nam khinh nữ tha hồ mà tung hoành trong xã hội. Người ta cho rằng :

- Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Sinh được một cậu con giai thì đã kể là có, trong khi đó sinh được mười cô con gái, thì vẫn kể là không.

- Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.

Chỉ người đờn ông mới là chủ gia đình và được trọng kính. Thực vậy, trong nhà khi các bà muốn đưa cho chồng cái gì thì cũng phải để trên bàn chứ không đưa tận tay. Nam nữ thọ thọ bất thân. Không thể có chuyện nắm tay hay bá vai bá cổ. Lại càng không thể có chuyện vuốt ve hôn hít nhau chùn chụt trước mặt bàn dân thiên hạ. Đặc biệt trong xã hội ngày xưa, đờn bà con gái còn phải giữ tam tòng tứ đức. Tam tòng, tức là ba chữ tòng : tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà thì phục tùng cha, lấy chồng thì phục tùng chồng, chồng chết thì phục tùng con. Còn tứ đức, tức là bốn nhân đức : công dung ngôn hạnh. Khéo tay làm lụng, nét mặt đoan trang, ăn nói lịch sự và tính tình nết na.

Theo linh mục Thiện Cẩm : Ngày nay, thế gian bỗng tự nhiên ra khác, ngay ở nước ta, nam nữ cũng trở nên thọ thọ…rất thân, nắm tay, ôm eo, tựa vai, bá cổ. Có người bảo phụ nữ ngày nay chỉ nghĩ  đến “tam vòng tứ sắc”. Tam vòng là vòng ngực, vòng eo và vòng mông. Tứ sắc là nét đẹp của khuôn mặt, của bộ ngực, của áo quần và của cặp giò. Còn chuyện tam tòng tứ đức là chuyện đã quá “đát” từ lâu.

Hôm nay, gã xin mượn những gợi ý trên để bàn rộng và tán dài về chuyện tam tòng cũng như tam…vòng!

Trước hết là chuyện tam tòng mà ngày xưa, cánh đờn bà con gái phải tuyệt đối tuân giữ.

Thứ nhất, tại gia tòng phụ, có nghĩa là khi còn sống ở nhà thì phải phục tùng và vâng lời người cha, bởi vì người cha là cột trụ của gia đình. Đây là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận, bởi vì cha mẹ có bổn phải phải giáo dục con cái và con cái có bổn phận phải vâng lời cha  mẹ :

- Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn.

- Cá không ăn muối cá ươn,

  Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.

Thứ hai, xuất giá tòng phu, đi lấy chồng thì phải phục tùng và vâng lời chồng. Đây là một quan niệm cần phải xét lại, bởi vì nó đã làm nảy sinh ra những lạm dụng khó mà chấp nhận. Thực vậy, người chồng trong xã hội phong kiến thường được coi như là một ông chủ. Vì thế, hễ ông ta mở miệng phán ra điều gì, thì vợ con trong nhà đều phải cúi đầu răm rắp nghe theo, chẳng được phép ý kiến ý cò gì sốt.

Phu xướng phụ tùy. Từ đó, ông ta sẽ thừa thắng xông lên mà đi tới chỗ độc tài, độc đoán và cả…độc ác nữa.  Ông ta sẽ mang lấy đầu óc “gia trưởng” và đối xử theo kiểu  “chồng chúa vợ tôi”. Lời nói của ông ta cộc lốc như dùi đục chấm mắm tôm : Tiên sư cái con mẹ mày. Hành động của ông ta mang nặng tính cách vũ phu và bạo lực. Ông ta không ngần ngại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Như cầu thủ ghi bàn thắng, ông ta hăng tiết vịt sút một phát cho bà vợ lọt thỏm vào tủ áo mỗi khi cần ưu ái dạy bảo điều gì, như trái banh lọt thỏm vào khung thành, hay cầu môn chi đó.

Gã đã từng thấy có những ông chồng đòi hỏi bà vợ phải phục dịch cơm bưng nước rót cho mình. Thậm chí đến bữa ăn, mình ông ngồi chễm chệ một mâm. Tội nghiệp cho bà vợ suốt ngày phải tần tảo buôn thúng bán mẹt, nhặt từng cọng rau muống đem ra chợ với hy vọng kiếm được tí tiền còn, mua lấy một xị rượu và một chút thịt lợn mà cung phụng cho đức ông chồng của mình được thập phần béo tốt.

Thứ ba, phu tử tòng tử, khi chồng chết thì theo con. Đây cũng là điều tương đối dễ hiểu và dễ chấp nhận, bởi vì người đờn bà lúc bấy giờ nghiễm nhiên đã trở thành một người mẹ, và không chừng cũng đã mang nặng tí tuổi đời. Một khi chồng chết thì biết theo ai nếu không phải là theo những người con mình đã mang nặng đẻ đau, đã chắt chiu nuôi dưỡng. Hơn thế nữa, chính những người con này cũng có bổn phận phải thảo hiếu đối với người mẹ của mình.

Cái sự phu tử tòng tử ở đây xem ra còn có vẻ nhẹ nhàng và nhân đạo hơn tập tục tại nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, nếu gã nhớ không lầm, trong cuốn “Vòng quanh thế giới 80 ngày”, Jules Verne cho hay tại một vài nơi bên Ấn Độ, khi người chồng qua đời thì các bà vợ sẽ bị thiêu sống để được theo hầu đức phu quân của mình nơi chín suối!!!

Tuy nhiên, theo lời của linh mục Thiện Cẩm thì : Ngày nay thế gian bỗng tự nhiên ra khác, chuyện tam tòng là chuyện quá “đát” từ lâu, xưa rồi Diễm ơi!

Thực vậy, trong tương quan với cha mẹ : con cái bây giờ thuộc vào thế hệ vi tính, nên cha mẹ khó mà dạy bảo. Nếu có răn đe điều gì, thì liền bị chúng kê tủ  đứng :

- Mấy ông mấy bà…già rồi, rõ thật lẩm cẩm, thời bây giờ mà còn như vậy ư ?

Và cha mẹ cũng đành phải bó tay. Chẳng hạn như  việc hôn nhân : Ngày xưa thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, còn bây giờ thì con cái đặt đâu thì cha mẹ xin vui lòng…ngồi đấy. Chẳng hạn việc giao tiếp : Ngày xưa thì nam nữ thọ thọ bất thân, còn bây giờ thì nam  nữ thọ thọ…rất thân, để rồi đi tới chỗ nam nữ cọ cọ rất  ư là….giật gân.

Trong tương quan vợ chồng : đờn bà con gái bây giờ đang lăm le nhảy vào lãnh vực xã hội, thành thử gã phải đổi lại câu thơ của Tú Xương. Thay vì :

- Việc nhà phó mặc cho bu nó.

Thì bây giờ sẽ phải là :

- Việc nhà phó mặc cho bố nó.

Và theo định luật về thị trường, anh nào có tiền, thì anh ấy sẽ nắm quyền. Chữ tiền liền với chữ quyền một vần. Khi chị vợ đã làm ra tiền, nắm hào bao và quyết định ngân sách, thì sẽ chi phối mọi sinh hoạt trong gia đình. Lúc bấy giờ, sẽ có một cuộc thay ngôi đổi chủ. Anh chồng chỉ còn nước âm thầm vào bếp, như chó cụp đưôi, làm bạn với nồi niêu xoong chảo, chổi cùn rế rách mà thôi.

Một khi tam tòng của Nho giáo đã bị xếp vào ngăn kéo dĩ vãng vì quá “đát’ và xưa rồi Diễm ơi, thì cũng theo như lời diễn tả trên, đờn bà con gái bây giờ lại chăm chăm chú chú mà lo cho cái khoản “tam vòng”, tức là ba cái vòng trên cơ thể mình.

Viết đến đây, gã bỗng nảy ra một “théc méc”, đó là không biết từ bao giờ cái ông khỉ gió nào đó đã có sáng kiến công bố cho bàn dân thiên hạ được biết số đo ba vòng của những thí sinh trong các cuộc thi hoa hậu. Coi đó như một trong những chuẩn mực để phán xét về sắc đẹp, khiến cho cánh đờn bà con gái phải lao đao vất vả, xấc bấc xang bang, tốn phí không biết biết bao nhiêu tiền bạc và công sức, để cái thì được phình ra, còn cái thì được tóp lại, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ISO, cũng chỉ vì muốn làm người đẹp mà thôi.

Vòng số một, tức là vòng ngực. Thực vậy, Thượng đế trao ban cho cánh đờn bà con gái bộ ngực là để cung cấp sữa mà nuôi con, như các cụ ngày xưa đã bảo :

- Đờn ông không râu bất nghì,

  Đờn bà không vú, lấy gì nuôi con.

Bộ râu làm nên nét oai phong của người đờn ông thế nào, thì bộ ngực cũng làm nên vẻ quyến rủ của người đờn bà như vậy. Vì thế, ngày nay nhiều bà nhiều cô đã phe lờ cái nhiệm vụ cung cấp sữa để nuôi con, mà chỉ chuyên trị làm đẹp cho bộ ngực của mình.

Thực vậy, mặc dù các bác sĩ và các nhà chuyên môn luôn quảng bá sữa mẹ là một thức ăn không thể thiếu cho con trẻ, nào là đề kháng được nhiều chứng bệnh, nào là có đủ chất dinh dưỡng…Thế nhưng, chỉ vì không muốn cho bộ ngực của mình bị xệ xuống, nên không thiếu những bà mẹ chả chịu cho con bú, cứ việc ra ngoài chợ, lôi về đủ mọi thứ sữa, từ sữa tươi cho đến sữa đặc có đường, từ sữa bột cho đến sữa hộp, từ sữa cô gái Hà Lan đến sữa ông già, từ sữa có nhãn hiệu trình tòa đến những loại sữa chui và trôi nổi…thôi thì thiên hình vạn trạng, đến quỷ thần cũng chẳng đếm nổi trên thị trường hiện nay có bao nhiêu thứ sữa. Có những người đã bị đi tàu suốt về chầu Diêm Vương, chỉ vì ham rẻ mà dùng những loại sữa chui và trôi nổi ấy.

Vì vòng số một là nơi cần phải làm phình ra, nên khoa giải phẫu thẩm mỹ đã nhảy vào vòng chiến, cứu một bàn thua trông thấy cho những bà những cô chẳng may có bộ ngực lép xẹp. Người ta mổ ngang, xẻ dọc rồi đặt vào trong đó chất “silicone”, làm cho bộ ngực phình to ra bao nhiêu cũng được. Miễn là đạt mục đích, sau này lỡ có bị ung thư, thì cũng…hạ hồi phân giải.

Nếu ngại giải phẫu, người ta có thể nhờ trang phục trợ giúp, nào là những chiếc yếm hững hờ, nào là những chiếc nịt ngực, những chiếc “cọc xê” được độn được lót cách này hay cách khác để che lấp cái kích thước bé tẻo bé teo của bộ ngực mình.

Tiếp đến, vòng số ba tức là vòng mông. Đây cũng là nơi cần phải làm cho phình ra như vòng số một, nên gã xin miễn bàn tới để được tiếp nối ngay bằng  vòng số hai tức là vòng eo.

Với cơn bệnh béo phì ngày càng liên tục phát triển, thì vòng eo đã trở nên một nỗi ám ảnh cho nhiều người. Báo Le Monde số 2884 cho hay : Trung tâm dự phòng bệnh tật Mỹ cảnh báo bệnh béo phí sắp dành ngôi vị giết người hàng đầu, vượt qua thuốc lá. Mỹ ước tính có 130 triệu có thể trọng vượt mức, trong đó có 59 triệu béo phì. Trung Quốc hiện có 300 triệu người quá mập, trong đó có 30 triệu bép phì. Khi vòng eo tăng trưởng vượt vòng ngực và vòng mông, thì nguy cơ bị tiểu đường và tim mạch cũng gia tăng. Vòng eo nam giới vượt quá 1,00m và nữ giới vượt quá 0,80m là dấu hiệu béo phì, cũng như là dấu chỉ phát tướng vòng eo. (CGVDT số 1449).

Trái với vòng số một và vòng số ba là những nơi cần phải làm cho phình ra, thì vòng số hai lại là địa điểm cần phải làm cho tóp lại. Lý tưởng của vòng số hai chính là cái eo của con ong. Thế nhưng, đối với nhiều bà nhiều cô, nó lại cứ phình ra mới chết không cơ chứ. Lý do phình ra như thế, có thể do chứng béo phì và cũng có thể do…trục trặc kỹ thuật ngoài ý muốn.

Trước hết, để thực hiện cái lý tưởng “eo con ong”, cũng như để chống lại tình trạng phát tướng do sự béo phì gây nên, người ta đã phải dùng tới nhiều biện pháp. Nào là tập thể dục như đi bộ, đi xe đạp, hay bơi lội mỗi ngày, nghĩa là thân thể phải vận động. Nào là kiêng ăn kiêng uống, áp dụng một chế độ ẩm thực vô cùng nghiêm khắc. Những biện pháp này đòi hỏi phải kiên nhẫn nhiều lắm, bằng không thì chỗ cần phình thì lại tóp, còn chỗ cần tóp thì lại phình. Thật là tréo cẳng ngỗng.

Ngoài ra, người ta cũng có thể nhờ trang phục trợ giúp phần nào.  Nếu gã không lầm thì “mô đen” áo dài Việt Nam vào thập niên sáu mươi : cổ phải cao có khi hơn một tấc, eo phải thắt ngẫng như eo con ong. Vì thế, người ta đã khéo léo luồn vào phía trong áo một sợi dây nhỏ cùng màu và sau khi mặc, người ta sẽ thắt chặt sợi dây ấy để tạo nên một cái eo rất là….ấn tượng, trên cả tuyệt vời.

Tiếp đến, có những trường hợp vòng số hai bỗng dưng phình ra, một cách bất đắc dĩ và ngoài ý muốn, hoàn toàn không phải do chứng béo phì, nhưng do một trục trặc kỹ thuật nào đó. Chẳng hạn như  cái tật ăn cơm trước kẻng, anh chị vụng trộm với nhau hay thử cho biết vị ngọt đắng của tình yêu, để rồi một buổi sáng bỗng thấy vòng eo phình ra và những ngày sau đó lại liên tục phình ra một cách vô tổ chức, vượt ngoài chỉ tiêu. Lúc ấy chỉ còn biết mếu máo và khóc lên, như người ta hay phịa ra mà hát :

- Anh ơi, nếu bụng em…phình thì sao ?

Nhưng đừng dại đột :

- Đi mua thuốc chuột uống cho rồi đời!!!

Bởi đó, đừng “khôn ba năm dại một giờ”, vì vui sướng của tình yêu có thể chỉ kéo dài trong thoáng chốc, nhưng khổ đau của nó sẽ kéo dài bằng cả cuộc đời :

- Đờn ông bụng…bự thì sang,

  Đờn bà bụng…bự tan hoang cuộc đời.

Chỉ có ba cái vòng, mà sao lại nhiêu khê rắc rối quá vậy. Gã cũng đành bó tay chào thua.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com
 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Được chọn giữa loài người và cho loài người; GÍAO SĨ: Xuất phát từ gíao dân, hiện diện vì gíao dân và cậy dựa vào gíao dân, để cùng làm VINH DANH THIÊN CHÚA

*************